Nuôi cá lóc trong vèo lưới - hiệu quả cao
Nói đến mô hình nuôi cá lóc, người dân xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa (Long An), đều biết đến anh Trần Văn Ẩn, ở ấp Bình Tây 1. Anh Ẩn là người đầu tiên áp dụng mô hình nuôi cá lóc trong vèo lưới và được nhiều người dân trong xã học tập và nhân rộng để tăng thu nhập.
Cách đây hơn 10 năm, cuộc sống gia đình anh Ẩn vô cùng khó khăn vì không ruộng đất sản xuất, lại phải nuôi 3 người con đang trong độ tuổi ăn học. Qua bạn bè, anh Ẩn biết mô hình nuôi cá lóc trong vèo lưới hiệu quả cao nên anh đến Trung tâm Thủy sản Long An tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật nuôi. Sau đó, anh tìm đến tận huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp mua 10.000 con giống để nuôi trong vèo lưới. Sau 5 tháng, anh thu hoạch được 3 tấn cá, lãi gần 10 triệu đồng. Bước đầu nuôi thử đem lại hiệu quả kinh tế, anh liền đầu tư lên 2 vèo cá, rồi dần dần lên 4 vèo cá với diện tích 1.000m2 mặt nước. Kết quả, mỗi năm, anh thu lãi được 100 triệu đồng. Riêng năm 2013, từ 4 vèo lưới cá, mỗi vèo 10.000 con, anh nuôi 2 đợt (mỗi đợt 5 tháng), thu được 24 tấn cá, giá trung bình 35.000 đồng/kg, tổng cộng thu 840 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, anh lãi hơn 150 triệu đồng.
Anh Ẩn cho biết, mô hình nuôi cá lóc trong vèo có ưu điểm là không cần diện tích lớn, tận dụng diện tích mặt nước ao, kênh để làm vèo nuôi; đồng thời tận dụng được lao động nhàn rỗi và lãi gấp nhiều lần so với trồng lúa. Cá nuôi trong vèo lưới tăng trọng nhanh và kích cỡ đồng đều, giá bán ngoài thị trường cao hơn cá thả lan. Về kỹ thuật, anh Ẩn cho biết thêm, vèo lưới được xây dựng hình chữ nhật, đáy vèo đặt cách đáy ao khoảng 0,5m, độ sâu nước trong vèo từ 2,5m trở lên. Nuôi cá lóc trong vèo có nhiều ưu điểm như nuôi ở mật độ cao, sản lượng lớn, thức ăn được tập trung, cá không bị cọ sát đáy ao hoặc không chui được xuống bùn. Để cho cá lóc khỏe mạnh, phải chú ý đến nguồn nước, cải tạo nước tốt cá sẽ ít bệnh.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá lóc trong vèo lưới cho người dân xung quanh. Hiện có nhiều người trong xã đã vươn lên khá giàu nhờ học tập mô hình của anh. Mô hình này đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân, mở ra cho các xã vùng biên hướng làm ăn hiệu quả.