Nuôi cá lồng trên sông Son: Một hướng phát triển kinh tế
Với tổng cộng 345 hộ nuôi cá lồng/435 lồng cá, nghề nuôi cá lồng trên sông Son được xem là hướng phát triển kinh tế ổn định của xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) khi đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân...
Sông Son nằm trong Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, đoạn chảy qua xã Sơn Trạch có chiều dài trên 12km, rộng khoảng 100m, quanh năm nước trong xanh. Theo như nhiều người dân địa phương, nghề nuôi cá lồng trên sông Son của người dân xã Sơn Trạch bắt đầu xuất hiện từ những năm 1990 với khoảng 80 lồng cá/50 hộ nuôi.
Tuy nhiên, chỉ đến năm 2000, khi Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới và hoạt động du lịch địa phương phát triển mạnh thì nghề nuôi cá lồng trên sông Son mới thực sự phát triển. Hiện toàn xã có 7 thôn nuôi cá lồng, trong đó tập trung nhiều nhất là ở các thôn Xuân Tiến, Trằm Mé, Xuân Sơn, Gia Tịnh, Na... với đối tượng nuôi chủ yếu là các loại cá truyền thống như cá mè, trắm cỏ, cá rô phi...
Theo lời giới thiệu của ông Trần Văn thông, Phó Chủ tịch UBND xã, chúng tôi tìm về thôn Xuân Tiến, một trong những nơi tập trung nhiều hộ nuôi cá lồng nhất xã. Dẫn chúng tôi đến bên những lồng cá được kết thành những bè dài trên sông Son, anh Trần Văn Tiến, một người dân địa phương phấn khởi chia sẻ: Phần lớn cư dân dọc sông Son đều có lồng cá và cá lồng xuất hiện ở đây vào loại sớm trong tỉnh. Để nuôi được cá, điều đầu tiên là phải có lồng chắc chắn để cá không phá lồng và quan trọng hơn nữa là chống chọi được với bão, lũ. Với diện tích khoảng 20 khối, mỗi lồng có thể thả khoảng 200 con cá giống.
Sau thời gian nuôi khoảng trên 2 năm, khi trọng lượng cá lên đến 6 - 7 kg/con (cá trắm cỏ, mè...) thì người nuôi có thể thu hoạch. Theo nhiều người dân địa phương, thị trường tiêu thụ cá ở đây khá ổn định với mức giá bình quân khoảng 80.000 - 90.000 đồng/kg. Đặc biệt, từ khi hoạt động du lịch ở Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng phát triển, nhộn nhịp thì thị trường tiêu thụ nguồn hàng thuỷ sản của địa phương lại càng mạnh, chưa kể nhiều khi “cháy hàng”, “cung” không đủ “cầu”.
Với mục tiêu đa dạng hóa đối tượng nuôi, nhận thấy điều kiện ở khu vực xã Sơn Trạch khá lý tưởng để nuôi cá chình do dọc sông Son có nhiều vực sâu, nước sông trong mát gần giống với môi trường sống tự nhiên của loài cá này, hiện ngoài các loại cá truyền thống, xã Sơn Trạch đã có chủ trương nuôi thử nghiệm cá chình lồng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Cùng với việc tạo điều kiện cho bà con tham gia các lớp tập huấn, nắm bắt kỹ thuật nuôi, xã còn hỗ trợ, tạo thuận lợi cho người dân trong tiếp cận nguồn vốn.
Tiên phong trong việc thử nghiệm nuôi cá chình ở sông Son là ông Hoàng Văn Thái (thôn Xuân Tiến, xã Sơn Trạch). Ông Thái chia sẻ, ông bắt đầu nuôi cá chình từ đầu năm 2012 sau chuyến tham quan cùng lãnh đạo xã tại thành phố Huế và xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Hiện gia đình ông sở hữu 3 lồng cá, mỗi năm thu lãi trên 50 triệu đồng/lồng. Cá chình không tạp ăn như cá trắm, cá mè, rô phi; thức ăn của cá chình là những loại khó kiếm như giun đất, cua đồng, ếch nhái và đặc biệt là cá chỉ ăn thức ăn trong ngày chứ không dùng thức ăn để lâu. Lồng nuôi cá chình được hàn bằng kẽm nguyên tấm dày, xung quanh lồng được khoan nhiều lỗ tròn, to bằng đầu chiếc đũa ăn cơm bởi cá chình là giống ưa sống trong tối.
Cá chình là loại cá ngon nổi tiếng và Phong Nha-Kẻ Bàng được biết đến như là quê hương của loài cá da trơn này. Tuy nhiên, do khai thác và đánh bắt quá mức nên loại cá chình trong tự nhiên hiện còn rất ít. Hơn nữa, từ khi Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được đưa vào bảo tồn thì việc đánh bắt cá chình bị nghiêm cấm, lượng cá chình trên thị trường vì vậy trở nên khan hiếm, khi cao điểm giá cá chình có thể lên đến 500.000 - 600.000 đồng/kg.
Hiện nay, rất nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Sơn Trạch có nguyện vọng mở rộng mô hình nuôi cá chình lồng trên sông Son. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà hiện nay bà con gặp phải là hoàn toàn bị động khi tìm nguồn cá giống, bởi trên địa bàn tỉnh ta hiện chưa có cơ sở nào sản xuất con giống của loại cá chình. Nếu muốn nuôi loại cá này, người dân chỉ có thể mua gom lại từ việc khai thác trong tự nhiên, điều này dẫn đến kích cỡ cá thường không đồng đều, khi nuôi dễ xảy ra tình trạng cá lớn cắn cá bé. Hoặc nếu chọn cá giống khai thác theo kiểu thả câu thì độ rủi ro trong khi nuôi là rất cao.
“Trong tương lai gần, khi trại giống ở huyện Quảng Ninh có khả năng cung cấp con giống, nghề nuôi cá lồng và đặc biệt là nuôi cá chình trên sông Son hứa hẹn sẽ phát triển, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Để du khách khi đến với Phong Nha-Kẻ Bàng không chỉ ấn tượng về một vương quốc hang động mà còn vì những món ngon đặc trưng cho ẩm thực miền di sản” - ông Hoàng Văn Thái tự tin chia sẻ.