Nuôi cá luồn lúa hiệu quả cao ở Yên Hồng
Xã Yên Hồng là địa phương thuộc vùng trũng của huyện Ý Yên (Nam Định) nên có nhiều diện tích chỉ cấy được lúa một mùa. Sau dồn điền đổi thửa, Đảng ủy, UBND xã đã quy hoạch chuyển đổi 43,2ha diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển mô hình cá luồn lúa hiệu quả kinh tế hơn hẳn.
Mô hình nuôi cá kết hợp với trồng lúa đang là một hướng đi mang tính bền vững của các hộ nuôi thủy sản vùng đồng trũng. Toàn xã hiện có 54 hộ thực hiện mô hình nuôi cá luồn lúa. Theo các cán bộ thủy sản, với mô hình này, cá và lúa hỗ trợ nhau tạo thành một hệ sinh thái khép kín, hạn chế được việc sử dụng phân bón hóa học nên an toàn cho con người và môi trường. Cá ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại, và thải phân làm tốt lúa, góp phần hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu. Để thực hiện thành công mô hình nuôi cá kết hợp với trồng lúa, tiếp tục nhân rộng mô hình này, xã Yên Hồng chỉ đạo Ban Nông nghiệp xã, các đoàn thể, HTX ưu tiên tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn nông dân kỹ thuật chọn con giống, thời điểm thả cá giống, chọn giống lúa thích hợp, kỹ thuật nuôi cá bằng chế phẩm sinh học và phương pháp phòng bệnh cho cá trong thời điểm giao mùa, đảm bảo chất lượng năng suất cá và lúa… Ruộng thực hiện mô hình này được cải tạo, thiết kế phù hợp với phần mương nước để nuôi dưỡng cá trong thời gian lúa mới cấy. Diện tích mương chiếm khoảng 20 - 30% diện tích ruộng và được đào cách bờ 0,5m để tránh đất từ trên bờ rơi xuống mương. Mỗi ruộng cần phải có một cống thoát nước để chủ động điều tiết việc cấp và thoát nước, tháo nước cho ruộng lúa sạ, cấy lúa khi sử dụng thuốc trừ sâu và khi thu hoạch. Cá giống được thả trước xuống mương ngay từ đầu vụ sản xuất. Sau khi lúa đẻ nhánh xong dâng nước cho ngập nền ruộng khoảng 20cm và cho cá lên ruộng kiếm mồi. Những giống cá được chọn thực hiện mô hình là những loại cá truyền thống ăn thức ăn tự nhiên như cá trắm, cá chép, cá mè, cá trôi… Ruộng nuôi cá sau mỗi vụ thu hoạch lại được các hộ nuôi tháo cạn nước, dọn sạch cây cỏ, bón vôi khử trùng, diệt khuẩn, khử chua. Theo những hộ thực hiện mô hình nuôi cá kết hợp trồng lúa hiệu quả kinh tế của mô hình sản xuất này gấp 10 lần so với cấy lúa như trước kia do không tốn nhiều chi phí thức ăn, công chăm sóc cá, lúa. Ông Nguyễn Văn Nam ở đội 6 thôn Hoàng Nghị là một trong những người thực hiện phương thức nuôi cá luồn lúa đầu tiên của xã với diện tích 6,12ha. Vay được vốn ngân hàng, ông tập trung đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, con giống theo đúng hướng dẫn kỹ thuật và không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức. Trên 10 năm thực hiện mô hình này, mỗi năm trung bình ông thu lãi được hơn 90 triệu đồng tiền cá và hơn 6 triệu đồng tiền từ lúa. Để đạt được những thành công trên, ông luôn chú trọng ngay từ khâu cải tạo đồng ruộng. Bờ ruộng được đắp cao lên để giữ nước, có mương bao quanh ruộng và ao chứa để làm nơi ương dưỡng cá giống, chứa cá khi chuyển vụ hoặc khi sử dụng hóa chất để phòng trị bệnh cho lúa. Cuối năm vừa qua, ông bắt đầu thí điểm ngâm mầm lúa để nuôi vỗ cá vào thời điểm chuẩn bị bán. Ông Nam cho biết: “Trong mầm lúa có nhiều vitamin do đó cho cá ăn mầm lúa ủ là biện pháp tốt để cá tăng trọng nhanh, mau lớn, tăng khả năng đề kháng bệnh cho cá”. Mầm lúa vừa là thức ăn trực tiếp vừa là nguồn bổ sung vitamin cho cá, có thể phối trộn với thức ăn tổng hợp cho cá, giúp cá phát triển tốt. Sau khi thí điểm phương pháp cho ăn này, cá tăng trọng nhanh, vì thế ông sẽ tiếp tục sử dụng phương pháp này vào những vụ nuôi tiếp theo. Gia đình bà Trịnh Thị Loan ở cùng thôn cũng là hộ nuôi đạt được giá trị kinh tế cao từ mô hình cá luồn lúa. Gia đình bà có 5,4ha, sau mỗi vụ, bà thu hoạch được khoảng 3 - 4 tấn cá và 1 tấn lúa, lãi suất từ 100 triệu đồng trở lên. Bà Loan cho biết từ ngày thực hiện mô hình nuôi cá kết hợp trồng lúa đã giúp hạn chế được số lượng côn trùng hại lúa, cỏ dại, ốc bươu vàng và các bệnh trên cây lúa do cá sử dụng nguồn thức ăn sẵn có trên đồng ruộng. Ngoài ra bà Loan còn dành diện tích 7.200m2 để trồng cỏ làm thức ăn cho cá. Chính vì vậy nên chất lượng thịt cá ngon, được khách hàng tín nhiệm. Bà Loan luôn thực hiện đúng hướng dẫn của các cán bộ chuyên môn về chuẩn bị ruộng, đào rãnh quanh khu vực trồng lúa, cách chăm sóc đàn cá. Hệ thống bờ, cống cũng được kiểm tra hằng ngày để kịp thời khắc phục cấp thoát nước. Mỗi khi phải phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa bà đều phải tháo nước trên ruộng lúa đưa cá xuống mương. Sau một năm, đàn cá được thu hoạch toàn bộ sau đó hệ thống ruộng đồng lại được cải tạo để chuẩn bị cho vụ nuôi năm sau.
Để khai thác hiệu quả hơn nữa vùng chuyển đổi sản xuất, thời gian tới Đảng ủy, UBND xã Yên Hồng tiếp tục khuyến khích người dân phát triển mô hình nuôi cá kết hợp trồng lúa, phấn đấu đạt hiệu quả cao trong vụ nuôi năm 2016./.