TIN THỦY SẢN

Nuôi cá sạch theo mô hình VietGAP ở Na Hang

Chăm sóc cá ở cơ sở của bà Trương Thị Hoài Linh. Ảnh: I.T Danh Hùng

Bên cạnh thế mạnh về du lịch lòng hồ, Na Hang còn ghi tên mình vào danh sách những địa phương có nhiều mô hình kinh tế thủy sản đặc sắc, đặc biệt là nuôi cá sạch theo mô hình VietGAP.

“Muốn giàu nuôi cá”

Năm 2012, anh Cao Đại Thắng ở tổ 13, thị trấn Na Hang (Tuyên Quang) mạnh dạn lên lòng hồ thủy điện Na Hang dựng lều, đóng lồng thả nuôi các loại cá. Ban đầu vốn ít anh chỉ đóng 5 chiếc lồng, mỗi lồng rộng 4m2, thả nuôi khoảng 600 con cá nheo. 


Chỉ vài chục lồng cá là có thể thu về hàng trăm triệu mỗi năm nhờ nguồn nước sạch tự nhiên của lòng hồ thủy điện Na Hang. Ảnh: DH

Để có được nguồn thức ăn cho cá, anh đăng ký với những hộ thả vó đèn, rọ tôm trên hồ. Nếu có tôm, cá tạp không bán được cho ai thì họ chuyển đến để anh nuôi cá. Theo cách tính của anh Thắng, mỗi kg cám nuôi cá, giá từ 15 – 17.000 đồng; trong khi mỗi kg cá tạp lúc đắt nhất là 4.000 đồng, khi rẻ chỉ 2.000 đồng/kg.

Các loại cá tạp đem về, con nhỏ anh thả thẳng xuống lồng nuôi cá lớn để chúng ăn thẳng, những lồng nuôi cá còn nhỏ thì dùng dao băm vụn cá tạp rồi vãi xuống. Cứ vậy, nguồn thức ăn cho cá luôn sạch sẽ, cá lớn nhanh, chỉ 3 tháng mùa hè, anh xuất bán được 1 lứa cá nheo, với mức lớn trung bình 1,2 kg/con. Giá bán buôn luôn ổn định mức 100.000 - 120.000 đồng/kg, khách hàng quen thuộc đã đến tận lồng cá để mua.

Theo tính toán của anh Thắng, cứ nuôi 100 con cá nheo trong thời gian 3 tháng, chi phí thoải mái mới hết khoảng 2 triệu đồng (gồm 700.000 đồng tiền con giống, 300.000 đồng tiền thuốc khử trùng, 1 triệu đồng gồm tiền mua cá tạp làm thức ăn và tiền tu bổ, sửa chữa lồng, lưới). Nếu trừ hết các khoản chi phí, cứ 100 con cá xuất bán, sẽ lãi khoảng 5 triệu đồng. Mỗi lồng nuôi 600 con, trừ hao đến khi xuất bán còn khoảng 400 con, lãi khoảng 20 triệu đồng.

Tận dụng nguồn nước chảy từ vùng lõi rừng đặc dụng để nuôi cá đặc sản, tại khu vực Thác Mơ, Công ty TNHH Lâm sản và dịch vụ Long Giang đã đầu tư hệ thống hạ tầng trên 2 tỷ đồng với 20 lồng cá, mỗi lồng có kích thước 108 m3, nuôi các loại cá gồm cá lăng, các chiên, cá bỗng, cá lóc bông. Mỗi năm, Công ty xuất bán ra thị trường trên 100 tấn cá, trừ các khoản chi phí có thể thu lãi trên 500 triệu đồng.


Công nhân Công ty TNHH Long Giang cho cá ăn theo đúng quy trình vietGAP. Ảnh: I.T

Anh Nguyễn Trường Minh, Phó Giám đốc Công ty cho biết, giá cá giống rất đắt nên việc chọn nuôi theo quy trình VietGAP cũng là cách để hạn chế rủi ro. Theo đó, ngoài môi trường chăn nuôi sạch thì thức ăn chăn nuôi cũng phải đảm bảo an toàn.

Nhờ làm tốt quy trình, sau khi được Bộ NN&PTNT công nhận là "địa chỉ xanh cung cấp thực phẩm sạch” trên toàn quốc, tháng 3/2017, Công ty đã được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận cơ sở nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP. Sản lượng cá sản xuất ra không đủ cung cấp cho các đơn đặt hàng khắp nơi.

Đầu tư cho sản xuất lớn

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang, toàn huyện hiện có 629 lồng nuôi thủy sản, sản lượng ước đạt 648,1 tấn với tổng giá trị ước đạt 32 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 1.300 người. Triển khai Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, UBND huyện Na Hang đã thẩm định và trình phê duyệt cho 25 hộ vay vốn nuôi cá lồng, với số vốn vay là 4,2 tỷ đồng để khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực thủy sản.

Bà Trương Thị Hoài Linh (chủ trang trại Trương Thị Hoài Linh) cho biết, trang trại của bà có quy mô 40 lồng cá đặc sản tại huyện Na Hang. Làm VietGAP, ngoài nguồn nước thì việc chăm sóc là yếu tố quyết định hiệu quả chất lượng cá sạch. Hàng ngày, công nhân phải giặt lồng, giặt lưới để loại bỏ rong, rêu, loại bỏ các nguy cơ có thể gây bệnh cho cá; kiểm tra, phân loại cá để có cách chăm sóc phù hợp, bởi cá bé thì phải nghiền nhỏ thức ăn trước khi cho ăn.

Bà chủ trang trại cho hay, việc mở rộng sản xuất khi trang trại hoạt động hiệu quả là đương nhiên nhưng điều quan trọng và liên tục phải nỗ lực thực hiện là chủ động kỹ thuật chăn nuôi để duy trì, phát triển thương hiệu, khẳng định uy tín, giữ vững niềm tin của khách hàng.

Bà Nguyễn Thị Vĩnh An, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tuyên Quang cho biết, mục tiêu quan trọng trong phát triển thủy sản tại Tuyên Quang là khuyến khích các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển nuôi cá lồng theo hướng VietGAP với các loại lồng nuôi có kích thước lớn (lồng kích thước 108m3) nhằm nâng cao năng suất, sản lượng cá lồng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.


Nuôi cá sạch cần nhất môi trường nước sạch và thức ăn sạch. Ảnh: DH

Theo đó, Chi cục thường xuyên hướng dẫn người nuôi kiểm tra các yếu tố môi trường nước quan trọng như oxy hòa tan, pH, H2S, NH3… để có giải pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, hướng dẫn người nuôi cá theo dõi và chăm sóc cá nuôi hàng ngày để có biện pháp xử lý khi có hiện tượng bất thường xảy ra.

Danh Hùng Báo Dân Việt