TIN THỦY SẢN

Nuôi cá thâm canh nâng cao hiệu quả của ngành thủy sản

Hệ thống máy quạt nước tạo sóng tại mô hình nuôi cá thâm canh của anh Ngô Xuân Trường thôn Phú Thọ, xã Quảng Phú (Lương Tài).

Nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh những năm qua có bước phát triển khá về diện tích, năng suất, sản lượng. Kể từ khi ứng dụng kỹ thuật nuôi cá theo hướng thâm canh, tỷ trọng ngành chăn nuôi thủy sản trong sản xuất nông nghiệp không ngừng tăng lên, góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Năm 2011, đề án “Nuôi cá thâm canh có năng suất, giá trị kinh tế cao giai đoạn 2011-2015” được UBND tỉnh phê duyệt với mong muốn tạo một bước tiến lớn cho nuôi trồng thủy sản ở Bắc Ninh. Mục tiêu của đề án đến năm 2015 là mở rộng diện tích nuôi cá thâm canh lên 1.100 ha, trong đó có 600 diện tích nuôi cá thâm canh cao, 100% cơ sở nuôi cá thâm canh đạt ATVSTP.

Nuôi cá thâm canh là hình thức nuôi trồng thủy sản bảo đảm được cả hai mục tiêu năng suất và chất lượng bằng cách kết hợp nhiều giống cá, tuổi cá khác nhau trên cùng một ao nuôi, song đòi hỏi phải đáp ứng các yếu tố về thức ăn công nghiệp, kỹ thuật nuôi và vệ sinh môi trường cao hơn nuôi cá kiểu truyền thống.

Trong những năm qua, việc chuyển đổi diện tích ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi cá thâm canh đã làm thay đổi quan niệm canh tác cũ ở nông thôn từ độc canh cấy lúa sang nuôi trồng thủy sản kết hợp với chăn nuôi, trồng trọt.

Gia đình ông Nguyễn Xuân Thu, thôn Đổng Lâm, xã Quỳnh Phú (Gia Bình) đã có hơn 10 năm kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản. Trên diện tích 1ha mặt nước ông thả xen kẽ cá trôi, trắm cỏ với mật độ 2 con/m2 và các giống cá năng suất cao như  rô phi, chim trắng, chép lai... với mật độ 4-5 con/m2. Từ khoảng 3 năm trở lại đây, ông chuyển sang cho cá ăn thức ăn công nghiệp, kết hợp với thức ăn tận dụng từ việc chăn nuôi gia súc nên chi phí thức ăn giảm đáng kể, mỗi năm cho doanh thu 200-300 triệu đồng. Nhờ việc nuôi cá thâm canh ông đã có vốn để đầu tư kinh doanh may công nghiệp, tạo thu nhập ổn định cho nhiều nhân công trong vùng.

Nằm trong vùng nuôi trồng thủy sản lớn của tỉnh, gia đình anh Ngô Xuân Trường ở Phú Thọ, xã Quảng Phú (Lương Tài) cũng mạnh dạn đầu tư cho 3 ha nuôi cá thâm canh. Anh đã chia thành 4 ao to và 3 ao nhỏ, thuận tiện cho việc nuôi từng loại cá. Gần đây, anh còn lắp thêm hệ thống quạt nước tạo sóng bảo đảm ô xy trong ao nuôi. Trung bình một năm cho thu hoạch 20 tấn cá, ước tính doanh thu khoảng 700-800 triệu đồng.

Anh Trường cho biết. “Nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh tương đối ổn định, ít khi mất trắng. Cùng với kinh nghiệm, chúng tôi còn được tham gia nhiều lớp đào tạo, tập huấn về kỹ thuật nuôi cá nên rất yên tâm làm giàu trên đồng đất quê mình.”

Bên cạnh nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả, quá trình phát triển nuôi cá thâm canh ở Bắc Ninh vẫn còn một số khó khăn nhất định. Kỹ thuật thâm canh của nhiều nông dân còn hạn chế, chưa tính được cơ cấu, mật độ đàn cá phù hợp, các giống cá có năng suất, chất lượng cao sử dụng còn ít. Sức đầu tư các hộ nuôi trồng thuỷ sản chưa cao, vì vậy khi cần thu hồi vốn, nông dân lại bán cá non, lợi nhuận giảm đáng kể. Nhiều hộ chưa có biện pháp xử lý đối với môi trường nuôi cá đang ngày càng ô nhiễm…

Theo quy hoạch của đề án “Nuôi cá thâm canh có năng suất, giá trị kinh tế cao giai đoạn 2011-2015”, đến nay đã có 165 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung có quy mô từ 10 ha với tổng diện tích là 3.288 ha. Còn lại 2.191 ha nuôi nhỏ lẻ xen kẽ khu dân cư. Những khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung này sẽ được hỗ trợ về phương án cấp thoát nước của từng ao, phương án cải tạo ao nuôi của từng hộ, tổ chức các dịch vụ về con giống, thức ăn, tiêu thụ sản phẩm, thuốc phòng trị bệnh và chương trình thực hiện ATVS TP trong nuôi trồng thủy sản.

Ông Nguyễn Văn Liên Chi Cục trưởng Chi Cục thủy sản Bắc Ninh nhận định: “Trong khi diện tích mặt nước của tỉnh đang dần bị thu hẹp, việc chuyển dịch cơ cấu sang nuôi cá thâm canh là biện pháp hữu hiệu giải quyết khó khăn cho nông dân, nâng cao giá trị kinh tế của sản xuất thủy sản toàn tỉnh theo hướng bền vững”.

báo Bắc Ninh