TIN THỦY SẢN

Nuôi cá thát lát cườm ghép cá sặc rằn thu hàng trăm triệu

Cho cá thát lát cườm và cá sặc rằn nuôi ghép ăn mồi. Trần Trọng Trung

Xuất thân từ miệt vườn, gắn bó với nghề nông từ nhỏ, ông Nguyễn Văn Đồng (SN 1969, hiện ngụ ấp Tân Dinh, xã Phú Thành A, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) đã mạnh dạn và sáng tạo nuôi cá thát lát cườm ghép cá sặc rằn trong ao thu về hàng trăm triệu đồng.

Xuất thân từ miệt vườn, gắn bó với nghề nông từ nhỏ, ông Nguyễn Văn Đồng (SN 1969, hiện ngụ ấp Tân Dinh, xã Phú Thành A, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) đã mạnh dạn và sáng tạo nuôi cá thát lát cườm ghép cá sặc rằn trong ao.

Sau nhiều vụ thành công thu về hàng trăm triệu đồng, ông Hai Lúa không chỉ làm giàu cho gia đình mình mà còn trở thành mô hình mẫu để các hộ nông dân khác học làm theo cùng thoát nghèo bền vững… 

Sau những năm nuôi nhiều loại cá lóc, cá tra, tôm càng xanh trong ao quá vất vả mà nguồn lợi nhuận không đáng kể nên vào năm 2013, ông Đồng đã quyết định đầu tư vốn cải tạo cái ao cạnh nhà để thực hiện mô hình nuôi cá thát lát cườm ghép cá sặc rằn bằng thức ăn công nghiệp.

Ông Đồng cho biết, mặc dù nguồn vốn đầu tư nuôi ban đầu rất cao so với các đối tượng nuôi khác nhưng việc nuôi cá ghép trong cùng một ao như vậy có rất nhiều lợi thế như: cá sặc rằn ăn rong-tảo, chất thải và thức ăn thừa của cá thát lát cườm; lọc được môi trường nước, giữ gìn vệ sinh ao nuôi sạch sẽ…

“Đầu tiên, yếu tố con giống là quan trọng nhất. Giống phải tốt, cơ sở tin tưởng, thức ăn và nguồn nước thường xuyên được theo dõi và phòng trị bệnh. Từ đó, nuôi mới thành công”- Ông Đồng bày tỏ.

Tháng 3/2013, ông Đồng tiến hành cải tạo 1.500m2 mặt nước ao cạnh nhà, lên bờ bao, vét đáy ao và làm vệ sinh sạch sẽ bằng vôi bột rồi phơi đáy ao khoảng 1 tuần.

Tiếp đó, ông Đồng bơm nước vào ao và tìm diệt các loại cá lóc, trê, ếch, rắn… rồi để khoảng 3 ngày cho nước trong ao có màu xanh của rong - tảo, vì đây là môi trường thích hợp để nuôi thủy sản.

Sau đó, ông Đồng bắt đầu cho thả 15kg cá sặc rằn giống vào ao ương nuôi. Khoảng 2 tuần sau, ông Đồng tiếp tục thả 10.000 con cá thát lát cườm giống vào ao để nuôi ghép chung.
Nguồn thức ăn cho đàn cá nuôi ghép được ông Đồng sử dụng là thức ăn viên công nghiệp có nhiều độ đạm trộn với các loại cá, tép xay nhuyễn. Lúc đầu, ông Đồng cho cá ăn 3 buổi trong ngày và hơn một tháng sau, ông cho cá ăn 2 buổi trong ngày, đồng thời tăng lượng thức ăn lên theo quá trình tăng trưởng của cá.

Trong quá trình nuôi, ông Đồng còn thường xuyên cho thay nước ao,  phòng ngừa dịch bệnh kịp thời, chăm sóc đàn cá thát lát cườm và cá sặc rằn thật chu đáo. Mỗi tháng một lần, ông trộn bổ sung lượng Vitamin C và khoáng chất vào thức ăn để cho đàn cá ăn nhằm tăng sức đề kháng và giúp cá tăng trọng nhanh…

Nhờ đó mà sau hơn 6 tháng nuôi, ông Đồng cho tát ao và thu hoạch được 2 tấn cá thát lát cườm thương phẩm, bán giá 60.000đ/kg và 350kg cá sặc rằn thương phẩm, bán 45.000đ/kg. Tổng thu nhập trên 135 triệu đồng.

Trừ các khoản chi phí đầu tư và công chăm sóc, ông Đồng còn lãi hơn 20 triệu đồng.

Tháng 3/2014, ông Đồng tiếp tục mở rộng thêm lên tổng cộng 3 cái ao, với 4.500m2 mặt nước để thả nuôi 40.000 con cá thát lát cườm ghép với 100kg cá sặc rằn, bằng cách thức nuôi nêu trên.

Đến tháng 11/2014, sau hơn 8 tháng cần mẫn chăm sóc, ông Đồng tát 3 ao và thu hoạch được 13 tấn cá thát lát cườm thương phẩm, bán giá 63.000đ/kg và 2.500 kg cá sặc rằn thương phẩm, bán 50.000đ/kg. Tổng thu nhập trên 944 triệu đồng.
sản phẩm cá thát lát cườm

Sản phẩm cá thát lát cườm và cá  sặc rằn.

Trừ các khoản chi phí đầu tư và công chăm sóc, ông Đồng còn lãi hơn 100 triệu đồng.

Sang tháng 3/2015, ông Đồng tiếp tục thả nuôi 40.000 con cá thát lát cườm ghép với 100 kg cá sặc rằn trong 3 cái ao cũ, cũng với cách thức nuôi trên.

Đến ngày 10/12/2015, sau hơn 9 tháng cần mẫn chăm sóc, ông Đồng cho tát 1 cái ao và thu hoạch được 11 tấn cá thát lát cườm thương phẩm, bán giá 70.000đ/kg và 2.500kg cá sặc rằn thương phẩm, bán 40.000đ/kg, đạt doanh thu hơn 770 triệu đồng.

Trừ chi phí đầu tư và công chăm sóc, ông Đồng còn lãi hơn 80 triệu đồng.

Ông Lê Văn Tòng ở gần nhà ông Đồng cho biết: “Cá sặc bổi nuôi ghép với cá nàng hai thì không thành vấn đề. Cá sặc bổi mình khỏi cho ăn. Tại vì cá sặc bổi nó nhỏ hơn cá nàng hai. Cá nàng hai nó ăn thức ăn viên, còn cái bể bể thì cá sặc bổi ăn, với lại nó ăn phân của cá nàng hai là nó lớn.

Con cá sặc bổi nó lớn theo như con cá nàng hai. Năm, sáu tháng cá sặc bổi từ 100gram, còn cá nàng hai bình quân từ 700 - 800gram/con. Tỷ lệ mình nuôi hao hụt rất ít chứ không nhiều. Con cá nàng hai lúc nhỏ có đau ốm chút đỉnh, chứ nó lớn lên khoảng chừng 400gram thì nó mạnh cũng như voi.

Qua mô hình này thấy có hiệu quả, bà con ở đây người ta cũng ham. Nhưng, với điều kiện nuôi cá này phải có vốn nhiều mới nuôi  được”.

Thu hoạch được một ao đạt kết quả rất khả quan, ông Nguyễn Văn Đồng hiện còn đang nuôi 2 ao 3.000m2 cá thát lát cườm ghép cá sặc rằn. Đàn cá đang phát triển tốt. Mỗi con cá thát lát cườm đạt trọng lượng trung bình 500gram; cá sặc rằn đạt trên-dưới 12 con/kg.

Ông Đồng đang liên hệ với thương lái để bán đàn cá nuôi này và tiếp tục đầu tư nuôi cá thát lát cườm ghép cá sặc rằn trong 3 ao vào niên vụ tới.

Theo các cán bộ kinh tế nông nghiệp ở địa phương, đây là mô hình ấn tượng -độc đáo đang được các ngành chức năng nghiên cứu phát huy và nhân rộng.

Ông Đinh Văn Phú - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thành A đánh giá: “Mô hình nuôi cá thát lát cườm lồng ghép với cá sặc rằn của anh Đồng trong các vụ nuôi vừa qua  đều có lợi nhuận rất cao. Hướng tới, Hội Nông dân xã sẽ vận động nhân rộng mô hình.

Với vai trò là Hội Nông dân xã tham mưu với cấp ủy Đảng, UBND cùng với tổ chức tín dụng, Ngân hàng và Hội Nông dân cấp trên hỗ trợ nguồn vốn cho nông dân nuôi cá thát lát cườm lồng ghép với cá sặc rằn; tìm đầu ra sản phẩm cho nông dân để giúp nông dân thoát nghèo một cách bền vững, nhằm góp phần xây dựng nông thôn mới ngày một tốt hơn”.

Nhiều bà con đang tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Đồng để học hỏi và mở rộng mô hình nuôi cá ghép bằng thức ăn công nghiệp trong ao… để tăng thu nhập cho nông hộ, góp phần chuyển dịch cơ cấu vật nuôi trong nông nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển và tạo việc làm cho nguồn lao động nhàn rỗi ở địa phương... /.

Trần Trọng Trung Plo, 31/12/2015