TIN THỦY SẢN

Nuôi cá tra tiêu chuẩn VietGAP: Thực trạng và giải pháp tháo gỡ khó khăn

Ngay từ cuối năm 2014, ngành Nông nghiệp tỉnh đã vận động, hỗ trợ các hộ nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh áp dụng và tiến tới chứng nhận VietGAP. Thành Công

Nhằm giúp ngành cá tra phát triển ổn định và bền vững, ngày 29-4-2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra, trong đó quy định các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày 31-12-2015.

Trước tình hình này, ngay từ tháng 9-2014, ngành Nông nghiệp Tiền Giang đã vận động, hỗ trợ các hộ nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh áp dụng và tiến tới chứng nhận VietGAP vào cuối năm 2015 để các hộ nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện theo quy định. Tuy nhiên, để các hộ nuôi cá tra này đáp ứng được 104 tiêu chí để đạt chứng nhận VietGAP còn nhiều khó khăn.

Theo Chi cục Thủy sản Tiền Giang, thực tế triển khai VietGAP cho các hộ nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh cho thấy, điều cần làm đầu tiên để nuôi cá tra theo tiêu chuẩn VietGAP là các hộ nuôi cá tra phải ghi chép chi tiết, lưu giữ hồ sơ về quá trình cải tạo ao, sử dụng thức ăn, con giống, hóa chất, kháng sinh, xử lý chất thải… theo biểu mẫu. Tuy nhiên, do trình độ học vấn các hộ nuôi cá còn hạn chế, việc tiếp cận VietGAP của các hộ dân gặp khó khăn, chưa kể nhân lực ngày càng khan hiếm và nhiều hộ phải thuê công nhân với trình độ học vấn thấp nên việc ghi chép dù đơn giản nhưng trở thành khó khăn.

Đối với tiêu chí cơ sở hạ tầng vùng nuôi theo quy trình VietGAP thì cơ sở nuôi cá tra phải có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt, ao lắng, ao nuôi không rò rỉ, hệ thống xử lý chất thải đầy đủ; tuy nhiên đây là những hạng mục mà hầu như không có hộ nuôi cá tra nào có.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) hay hợp đồng thuê đất hợp pháp cũng là tiêu chí gặp khó khăn khi các hộ nuôi cá tra đều vay vốn ngân hàng nên không giữ được GCNQSDĐ. Hay nhiều ao nuôi cá tra có GCNQSDĐ nhưng chưa chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất nuôi trồng thủy sản.

Đối với tiêu chí hồ sơ giống, hiện nay nguồn cá tra giống được sản xuất từ cá tra bố mẹ được xác nhận chất lượng còn rất khan hiếm, nên buộc các hộ nuôi cá tra phải mua giống trực tiếp từ các hộ ương cá tra giống, hay phải mua giống quá nhiều khâu trung gian để có cá giống thả nuôi.

Do đó, việc chứng minh được cá tra giống được sản xuất từ cá tra bố mẹ chất lượng gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, các cơ sở ương giống không có giấy đăng ký kinh doanh nên cũng không được cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương kiểm tra điều kiện ương giống theo Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT, nhưng hồ sơ giống VietGAP yêu cầu phải có loại hồ sơ này.

Hầu như tất cả hộ nuôi cá tra đều không có ao xử lý nước thải, không có ao chứa bùn để xử lý chất thải ao nuôi cá tra theo yêu cầu của VietGAP.

Hiện nay, tất cả các hộ nuôi cá tra đều thực hiện thay nước hàng ngày, trong khi quy trình xử lý nước sinh học trong ao lắng với cá, rong, cỏ… cần thời gian ít nhất 7 ngày thì nước thải mới đạt chất lượng theo quy định trước khi đưa ra môi trường bên ngoài; đồng thời, việc lấy mẫu nước thải để kiểm tra chất lượng nước trước khi thải ra môi trường cần một nguồn kinh phí rất lớn để lấy mẫu, vận chuyển mẫu, phân tích mẫu nên làm tăng đáng kể chi phí cho các hộ nuôi.

Ngoài ra, hộ nuôi cá tra thực hiện VietGAP phải đặt các biển báo, cảnh báo nguy hiểm, nâng cấp nhà kho, nhà ở, nhà vệ sinh công nhân; xây dựng quy trình nuôi tốt, quy trình vệ sinh, bảo vệ sức khỏe động vật thủy sản; ký hợp đồng lao động, lập bảng chấm công, bảng lương cho người lao động làm thuê… với tổng cộng đến 104 tiêu chí phải đáp ứng. Mỗi tiêu chí phải đáp ứng như vậy đã làm tăng không ít chi phí cho các hộ nuôi cá tra.

Mặc dù có nhiều khó khăn như vậy nhưng điều khó nhất vẫn là nhiều hộ nuôi cá tra chưa mặn mà trong việc áp dụng nuôi và chứng nhận VietGAP, bởi cho đến nay sản phẩm cá tra đạt tiêu chuẩn VietGAP vẫn chưa được thị trường thế giới công nhận và giá bán cá tra VietGAP vẫn không khác cá tra nuôi theo kiểu truyền thống trong khi chi phí nuôi cá tra theo VietGAP cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Đời, hộ nuôi cá tra ở ấp Tân An, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy đã từng nói với cán bộ tư vấn thực hiện VietGAP của ngành Nông nghiệp tỉnh: “VietGAP trong nuôi cá tra là chủ trương của Nhà nước, tôi vẫn chấp hành, nhưng nếu các chú yêu cầu tôi phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như trong VietGAP thì tôi không làm nổi vì tôi biết rằng nếu thực hiện đúng VietGAP thì cơ sở nuôi cá tra của tôi không đáp ứng được điều kiện nào trong đó”.

Nếu đứng trên phương diện quản lý ngành hàng cá tra thì tư tưởng đầu tư nhiều hơn, nhưng giá bán sản phẩm không tăng là chưa đúng, bởi VietGAP mang lại lợi ích lâu dài, góp phần nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam, tiến tới nâng cao giá trị toàn chuỗi cá tra.

Tuy nhiên, về góc độ các hộ nuôi cá tra, khi đầu tư thêm không ít công sức, tiền của vào cùng một diện tích nuôi cá tra, nhưng trước mắt sản lượng giảm (do phải dành một diện tích ao nuôi làm ao xử lý nước thải), giá bán không cao hơn so với sản phẩm sản xuất truyền thống thì rõ ràng không đủ động lực để họ nhiệt tình với VietGAP.


Để các hộ nuôi cá tra này đáp ứng được yêu cầu để đạt chứng nhận VietGAP là điều không dễ.

Trước thực trạng nêu trên, để VietGAP được người nuôi cá tra đồng tình ủng hộ thì các bộ, ngành có liên quan cần có giải pháp giải quyết đầu ra ổn định, khẳng định một thương hiệu riêng để phân biệt với sản phẩm cá tra sản xuất theo kiểu truyền thống với giá cả hợp lý hơn. Giá trị của cá tra đạt tiêu chuẩn VietGAP phải được nhìn nhận và khẳng định từ các nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu, từ cả thị trường trong nước và thế giới.

Do đó, cần phải nhanh chóng xúc tiến khâu quảng bá, đàm phán và thừa nhận của quốc tế đối với VietGAP để giúp giá trị cá tra VietGAP tăng lên, từ đó người dân mới toàn tâm toàn ý vào VietGAP bên cạnh những tiêu chuẩn khác như BAP, GlobalGAP, ASC...

Trong những năm qua, nhiều mô hình VietGAP đã đạt những thành công bước đầu, nhưng để nhân rộng cần phải có sự quyết liệt của nhiều bộ, ngành nhằm tạo sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ cá  tra VietGAP. Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hộ nuôi cá tra VietGAP và các nhà máy chế biến xuất khẩu liên kết với nhau theo quy trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ thì các mô hình nuôi cá tra VietGAP mới tồn tại bền vững theo thời gian.

Tổng cục Thủy sản (Bộ NN và PTNT) vừa ký bản ghi nhớ (MOU) với Hội đồng  quản lý nuôi trồng thủy sản quốc tế (ASC) về việc cam kết thúc đẩy nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm tại Việt Nam thông qua phương pháp tiếp cận từng bước từ VietGAP sang chứng nhận ASC. Trong đó, Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ giảm thiểu các tác động đến môi trường từ việc nuôi trồng thủy sản. Tùy theo nhu cầu, các trang trại đã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP có thể đạt được một tiêu chuẩn quốc tế khác như ASC, giúp các cơ sở nuôi dễ dàng tiếp cận được các thị trường quốc tế và bảo đảm cho nghề nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm hơn.

Chi cục Thủy sản đã rà soát các hộ nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện hỗ trợ thực hiện VietGAP theo Quyết định 04/2015/QĐ-UBND ngày 9-2-2015 của UBND tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Kết quả có 4 hộ và 5 nhóm hộ nuôi cá tra (các hộ có sản lượng không đủ 500 tấn cá/năm, có vị trí gần nhau được gom thành 1 nhóm) đủ điều kiện hỗ trợ thực hiện VietGAP với tổng diện tích 34,7 ha, sản lượng 12.600 tấn.

Từ tháng 9-2014 đến nay, Chi cục Thủy sản đã đào tạo kiến thức và đang tư vấn, hướng dẫn các hộ nuôi cá tra ghi chép sổ nhật ký sản xuất, thực hiện các thủ tục theo 104 tiêu chí của VietGAP và hỗ trợ mua một số loại dụng cụ đo môi trường, bảng hiệu, bảng cảnh báo môi trường cần thiết.

Thành Công Báo Ấp Bắc, 10/08/2015