Nuôi cá trong ruộng lúa - mô hình nhiều triển vọng
Con cá đồng trong ruộng lúa ở nước ta - nói chung, ở Tiền Giang - nói riêng, đã có từ rất lâu. Hàng năm, khi vào vụ lúa (từ khi lúa đứng cái, làm đòng, trổ bông đến chín) thì cũng là lúc nguồn cá đồng (chủ yếu lóc, rô, sặc…) vào ruộng sinh sống và phát triển. Khi thu hoạch lúa, người ta kết hợp với thu hoạch cá.
Ngày nay, dưới áp lực sản xuất nông nghiệp trồng lúa thâm canh tăng vụ, đê bao khép kín (phòng chống triều cường), việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều, cộng với khai thác quá mức bằng nhiều hình thức, thậm chí sử dụng cả thuốc độc và xung điện, đã làm nguồn lợi cá đồng tự nhiên ngày càng cạn kiệt.
Việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng một hệ thống sản xuất nông nghiệp mới nhằm phá thế độc canh cây lúa ở những nơi như: vùng trũng, vùng thường xuyên ngập nước, vùng cấy lúa mùa 1 - 2 vụ, vùng trồng lúa bấp bênh không ăn chắc… là điều rất cần thiết để nâng cao hiệu quả kinh tế nông hộ và cải thiện môi trường sinh thái.
Mô hình canh tác cá - lúa (thả cá giống vào ruộng với cơ cấu thích hợp và chăm sóc quản lý) là một trong những hệ thống sản xuất mới. Ưu điểm của mô hình là sử dụng hiệu quả mặt nước và ruộng lúa thường xuyên ngập nước (vùng lũ).
Với mô hình này, cá và lúa hỗ trợ lẫn nhau tạo thành một hệ sinh thái khép kín, hạn chế được việc sử dụng hóa chất, phân bón nên an toàn cho con người và cho môi trường. Bên cạnh đó, còn tăng thu nhập, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Năm 2012 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện dự án cá - lúa ở xã Mỹ Trung (Cái Bè) với quy mô 1ha cho 7 hộ nông dân. Cơ cấu con giống thả nuôi: 80% sặc rằn, 15% rô đồng và 5% mè vinh, mật độ bình quân 10 con/m2 (8 sặc - 1,5 rô - 0,5 mè).
Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ nông dân 100% giống, 30% thức ăn. Nông dân tham gia dự án được tập huấn, hội thảo nắm vững quy trình kỹ thuật chăm sóc và mở sổ nhật ký theo dõi quá trình thực hiện mô hình.
Qua thực tế triển khai các dự án cho thấy:
- Khâu đầu tư cải tạo đồng ruộng để kết hợp nuôi cá - trồng lúa khá đơn giản. Bờ ruộng được đắp cao để giữ nước, có mương bao quanh ruộng và ao chứa để làm nơi ương dưỡng cá giống, chứa cá khi chuyển vụ hoặc khi sử dụng thuốc trừ sâu, hoá chất phòng trừ bệnh cho lúa.
- Quy trình kỹ thuật đơn giản. Cá giống được thả trước xuống mương ngay từ đầu vụ sản xuất. Sau khi lúa đẻ nhánh xong dâng nước lên cho ngập nền ruộng 20cm để cá lên ruộng kiếm mồi.
- Hạn chế côn trùng hại lúa, cỏ dại, ốc và các bệnh về cây lúa do cá sử dụng nguồn thức ăn sẵn có trên đồng ruộng.
Kết quả sau 8 tháng, lúa vẫn làm liên tục, hiệu quả kinh tế cao hơn 30% (nhờ năng suất tăng hơn trước 8-10%, đồng thời tiết kiệm các khoản chi phí giống, phân, thuốc trừ sâu); ngoài ra dự kiến thu 6 tấn cá….
Với hiệu quả đạt được của dự án cá - lúa năm 2012, năm 2013 Trung tâm Khuyến nông tiếp tục triển khai mô hình cá - lúa ở 2 xã Tân Phú (Cai Lậy) và xã Hậu Mỹ Trinh (Cái Bè) với quy mô 2 ha/12 hộ.
Qua tham quan mô hình ở xã Mỹ Trung (Cái Bè) và tham gia tập huấn hội thảo, đa số nông dân đã nhận thấy lợi ích rất thiết thực của mô hình cá - lúa nên tham gia rất nhiệt tình. Đến cuối tháng 5-2013, dự án đã tiến hành thả cá giống.
Hướng tới, để phát triển phong trào nuôi cá - lúa, Nhà nước cần thực hiện các giải pháp sau:
- Định hướng quy hoạch vùng sản xuất trên các huyện có tiềm năng áp dụng mô hình cá - lúa như Cái Bè, Cai Lậy, một phần Tân Phước và Châu Thành…
- Vận động tuyên truyền các Chi hội nghề cá địa phương, thành lập tổ nhóm hộ nông dân nuôi cá - lúa, để qua đó dễ dàng tổ chức tham quan, tập huấn hội thảo chuyển giao kỹ thuật cho người nông dân thấy rõ lợi ích thiết thực từ mô hình này.
Hy vọng nông dân tỉnh nhà sẽ biết phát huy lợi thế về nuôi cá trên ruộng lúa để tạo nên lượng hàng hoá rất lớn còn chưa được khai thác đúng mức này.