TIN THỦY SẢN

Nuôi cá VietGap khó từ "đầu vào" đến "đầu ra"

Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap bán cho thương lái không chênh lệch so với cá nuôi truyền thống. Ảnh minh họa: TTXVN Thái Hùng

Nuôi cá VietGap vẫn chưa thực sự khiến người dân yên tâm theo đuổi. Bởi các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap bán cho thương lái không chênh lệch so với cá nuôi truyền thống.

Thực hiện kế hoạch chuyển giao, ứng dụng khoa học- công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Chi cục Thủy sản tỉnh Bắc Ninh đã triển khai một số ứng dụng khoa học, công nghệ mới trong sản xuất và nuôi trồng thủy sản, trong đó tích cực hướng dẫn các hộ nuôi áp dụng theo các tiêu chuẩn của VietGap. Tuy nhiên, các hộ nuôi trồng này cũng đang đứng trước những khó khăn về đầu ra sản phẩm, giá thành và thiếu vốn để đầu tư. 

Cuối năm 2017, một số hộ nuôi trồng thủy sản ở xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du là những cơ sở đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện theo tiêu chuẩn VietGap về chăn nuôi. 

Bắt tay vào nghề nuôi cá từ năm 2006, anh Nguyễn Văn Đà, chi hội trưởng chi hội nghề cá thôn An Động, xã Lạc Vệ có 2,8 ha ao nuôi cá chủ yếu các loại trắm, chép, rô phi. Được sự giúp đỡ của Chi cục thủy sản, năm 2017 anh cải tạo lại ao, xây dựng mô hình nuôi cá VietGAP, anh Đà và các hộ dân được chi cục tập huấn kiến thức về nuôi cá an toàn, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cho những hộ đạt yêu cầu. 

Theo anh Đà, đa phần các hộ nuôi cá ở Lạc Vệ đều đã có kinh nghiệm, nên việc áp dụng theo quy trình VietGAP không mấy khó khăn. Năm 2018 này, xã tiếp tục hướng dẫn thêm 8 hộ thực hiện nuôi trồng theo quy trình VietGap. 

Tuy nhiên, nuôi cá VietGap vẫn chưa thực sự khiến người dân yên tâm theo đuổi. Bởi các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap bán cho thương lái không chênh lệch so với cá nuôi truyền thống. Anh Đà chia sẻ, người nuôi trồng thủy sản đã đầu tư công sức để đưa ra sản phẩm sạch cho người tiêu dùng thì các cơ quan chức năng cần vào cuộc giúp người nông dân đầu ra nhằm phân biệt rõ giữa sản phẩm cá sạch với sản phẩm không sạch, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. 

Tại hợp tác xã chăn nuôi thủy sản Trường Mạnh, xã Mão Điền, huyện Thuận Thành đã thực hiện mô hình nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGap và hoạt động theo mô hình hợp tác xã từ đầu năm 2017 với 9 hộ thành viên tham gia. Mục tiêu của hợp tác xã là liên kết sản xuất và thực hiện chứng nhận VietGap. 

Hiện, hợp tác xã có 85 lồng nuôi chủ yếu là các loại cá đặc sản như cá lăng, cá chép giòn, cá điêu hồng… với sản lượng đạt 400-500 tấn/năm. Quá trình nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGap tại đây được thực hiện khá bài bản. Mỗi lồng được hợp tác xã cắm biển, ghi chép cẩn thận về ngày xuống giống, chủng loại giống, loại cám cho ăn, đặc biệt, có sổ theo dõi các lồng nuôi về lượng thức ăn, thuốc phòng. 

Đáng lưu ý, khó khăn ở hợp tác xã này không phải là vấn đề đầu ra sản phẩm mà các hộ nuôi cá VietGap Lạc Vệ đang phải đối mặt là khó khăn ở nguồn vốn đầu tư quá lớn. 

Ông Nguyễn Xuân Đang, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi thủy sản Trường Mạnh cho biết, kế hoạch của đơn vị mỗi năm phát triển từ 400 đến 500 tấn cá, với quy mô nuôi cá lồng khá lớn nên rất cần nguồn vốn hỗ trợ từ nhà nước để duy trì và phát triển nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGap 

Năm 2017, Chi cục thủy sản đã tích cực tuyên truyền hướng dẫn các hộ nuôi áp dụng theo các tiêu chuẩn của VietGap. Đến nay, toàn tỉnh đã có 11 cơ sở nuôi trồng thủy sản được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGap. Mỗi cơ sở làm quy trình này được tỉnh hỗ trợ 80 triệu đồng và được hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật. 

Mặc dù nhiều người dân kỳ vọng khi làm theo VietGap thì giá thành sẽ cao hơn nhưng do không có đầu mối ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên hầu như các hộ vẫn mạnh ai nấy bán. Trong khi đó chi phí đầu tư theo tiêu chuẩn VietGap cao, đòi hỏi sự tỉ mỉ, cận trọng hơn mà không phải hộ nuôi nào cũng kiên nhẫn thực hiện. 

Ông Nguyễn Thành Trung, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Bắc Ninh cho biết, trên cơ sở các hộ nuôi trồng thủy sản đăng ký với các huyện để huyện có đề xuất với cơ quan chức năng xem xét, đủ diều kiện cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap với mục đích tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch cung cấp cho người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch ngày càng tăng của người dân. 

Thực tế hiện nay, thị trường đang có nhu cầu rất cao đối với các sản phẩm an toàn, nguồn gốc rõ ràng. Điều quan trọng là tìm kênh kết nối để tiêu thụ. Vì thế, giải pháp mà các địa phương nên tính đến là cần thiết phải liên kết các hộ lại thành lập hợp tác xã để có đầu mối lo đầu vào, đầu ra, chỉ đạo sản xuất gối vụ, đáp ứng các đơn hàng bao tiêu sản phẩm. 

Tuy nhiên, về lâu dài cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng, các hội đoàn thể xúc tiến thương mại, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi đề xoay vòng. Có như vậy mới tạo động lực giúp người dân quyết tâm chăn nuôi theo hướng an toàn, chất lượng.

Thái Hùng TTXVN