Nuôi cua đồng thương phẩm
Cua đồng (Somanniathelphusa sinensis) là loài cua nước ngọt, món ăn dân dã nhưng bổ dưỡng. Nuôi cua đồng thương phẩm hiện nay đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là giảm áp lực khai thác cua đồng từ tự nhiên.
Yêu cầu về ruộng, ao nuôi
Ruộng nuôi, ao nuôi có nguồn nước chủ động, dễ dàng cho việc cấp thoát. Nguồn nước sạch, không bị ảnh hưởng bởi nước thải sinh hoạt, hóa chất, nhất là thuốc bảo vệ thực vật.
Diện tích ruộng nuôi 1/3 - 2/3 ha là vừa. Ruộng phải bằng phẳng, chất đất tốt nhất là đất thịt. Xung quanh bờ ruộng phải có rào chắn bằng những vật liệu có bề mặt trơn như bạt cao su, bạt nhựa… (cao ít nhất là 40cm so với mặt bờ và nghiêng về phía trong) ngăn không cho cua bò đi.
Đào mương ở góc ruộng, diện tích mương nuôi bằng 5% diện tích ruộng, mương nuôi rộng 4 - 6m, sâu 1 - 1,5m; hoặc đào mương bao quanh và mương giữa ruộng, tổng diện tích các mương bằng 15 - 20% diện tích ruộng. Các cống thoát nước đều phải được chắn bằng đăng tre hoặc lưới cước phù hợp, đầm chắc nơi đặt cống để hạn chế cua đào hang.
Ao nuôi: nền đáy ao là loại đất thịt pha sét hay cát, lớp bùn dày 20cm là vừa. Ao nuôi có diện tích 300 - 1.000m2, độ sâu 0,8 - 1,2m, xung quanh bờ phải rào bằng đăng tre, tấm nhựa hoặc lưới cước đặt nghiêng về phía ao không cho cua thoát ra được. Ao phải có cống cấp thoát nước đầy đủ và có lưới chắn ở các đầu cống.
Cải tạo ao, ruộng nuôi
Trước khi nuôi 1 - 2 tuần, tiến hành tát cạn nước để diệt hết địch hại của cua và tiêu diệt mầm bệnh, bằng cách bón vôi 7 - 10 kg/100m2, phơi nắng 3 - 5 ngày; sau đó cấp nước vào ao, đối với ruộng thì cấp nước vào nhưng không cho nước tràn lên ruộng, chỉ khi nào đến thời kỳ lúa sắp làm đòng mới cấp nước lên ruộng cho cua lên ruộng tìm thức ăn.
Tiến hành gây màu nước cho ao bằng phân chuồng hoặc phân hóa học để tạo nguồn động vật phù du phát triển làm thức ăn cho cua giống mới thả. Trong ao, ruộng nuôi nên thả chà làm nơi trú ẩn cho cua lúc lột xác tránh bị hao hụt, có thể thả thêm bèo, rau muống, rau dừa nước… để che phủ ao vào những ngày nắng gắt, độ che phủ khoảng 1/3 diện tích mặt ao.
Chọn và thả giống
Cua đồng sinh sản quanh năm, tập trung chủ yếu vào mùa xuân, hạ, thu nên có thể thả giống quanh năm. Sử dụng con giống đánh bắt từ tự nhiên, cua giống phải khỏe mạnh không bị thương tật, đầy đủ càng và chân, màu sắc tươi sáng, không bị đóng rong, kích thước càng đồng đều càng tốt. Có thể chọn cua đực để nuôi, góp phần tăng năng suất và giá trị thương phẩm. Nuôi trong ao thả với mật độ 10 - 15 con/m2; nuôi trong ruộng thả 5 - 7 con/m2.
Cua đồng dễ nuôi, đầu tư thấp nhưng hiệu quả cao - Ảnh: Phan Thanh Cường
Lưu ý: Không nên thả trực tiếp xuống ao mà phải thả từ mé bờ ao cho cua tự động bò xuống, ruộng, tránh hiện tượng cua bị sốc môi trường hoặc cắp nhau làm gãy càng.
Chăm sóc, cho ăn
Cua đồng ăn tạp nhưng thiên về động vật, cua ăn các loại thức ăn như cá tạp, ốc, hến, khoai lang, khoai mì… thức ăn nên băm nhỏ vừa cỡ miệng cua. Khẩu phần ăn 5 - 8% trọng lượng cua/ngày và được chia làm 2 lần trong ngày, sáng sớm ăn 20 - 40%, chiều ăn 60 - 80% trọng lượng thân. Thức ăn phải tươi, không bị ôi thiu, nấm mốc. Cần cho cua ăn đầy đủ, nếu cua thiếu thức ăn rất dễ ăn thịt lẫn nhau. Trong ao, ruộng nuôi, cần bố trí một số sàn ăn để đánh giá tình trạng bắt mồi của cua, đồng thời căn cứ điều kiện thời tiết mà điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Những tháng cuối chu kỳ nuôi cần tăng thêm thức ăn là động vật trong khẩu phần ăn để cua nhanh lớn và chắc thịt. Có thể thả thêm cá rô đồng, cá rô phi để ăn thức ăn thừa của cua, giảm ô nhiễm nước nuôi.
Thay nước định kỳ khoảng 1 tuần/lần để kích thích cua lột xác và bắt mồi mạnh, mỗi lần thay nước từ 1/4 - 1/3 lượng nước trong ao, ruộng. Kết hợp bón vôi cho ao, ruộng nuôi 15 ngày/lần với liều lượng 2 - 3 kg hòa vào nước, lấy nước trong tạt đều khắp ao.
Thường xuyên kiểm tra đăng chắn cống, đê, bờ, rào chắn, để tránh cua thất thoát ra ngoài.
Thu hoạch
Sau khoảng 8 tháng nuôi, cua đạt kích thước thương phẩm, có thể thu tỉa bán dần hoặc thu đồng loạt. Thu tỉa bằng cách đặt lờ, lợp… tát cạn, bắt bằng tay nếu thu toàn bộ. Cua nhỏ không đủ cỡ thương phẩm được để lại nuôi tiếp vụ sau.
>> Hiện nay, bên cạnh phương pháp nuôi cua trong ao, ruộng, nhiều địa phương còn có mô hình nuôi cua đồng trên cạn, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, các phương pháp kỹ thuật nuôi cua đồng hiện nay cần được quan tâm nghiên cứu, để cua đồng có thể trở thành một đối tượng thủy sản nước ngọt tiềm năng.