Nuôi ghép nhiều loại cá trong ao lắng – biện pháp hay để tăng hiệu quả kinh tế
Mô hình nuôi ghép cá rô phi trong ao nuôi tôm hiện nay được khá nhiều người áp dụng, có thể nuôi ghép cá và tôm chung một ao với mật độ vừa phải hoặc thả cá trong vèo giữa ao hoặc nuôi cá rô phi vào ao riêng để lấy nước bổ sung cho ao tôm. Mô hình này đã chứng tỏ hiệu quả trong việc lọc sạch môi trường, hạn chế mầm bệnh cho tôm và giúp cho nông hộ giảm chi phí xử lý môi trường ao nuôi.
Nhiều hộ nuôi tôm ở Vĩnh Châu áp dụng mô hình này và rất hiệu quả, ông Tăng Văn Súa ở xã Hòa Đông, cho biết: “Mô hình nuôi ghép này, mình phải nuôi cá rô phi đơn tính. Thí dụ thả 100.000 con tôm thì thả 100 con cá rô phi đơn tính, thả cá trước khi thả tôm khoảng 10 ngày để cá ăn sạch hết chất bẩn trong ao, nếu có điều kiện và vốn thì cứ 1.000 mét vuông mặt nước thả thêm 10kg cá kèo để tạo độ kìm trong ao nuôi tôm cho tốt”. Ông Nguyễn Văn Đến ở xã Vĩnh Hiệp, cho biết : “Những năm trước nuôi tôm tôi thường lấy nước trực tiếp từ sông vào, diệt cá tạp rồi thả tôm nuôi nên tôm thường hay bị bệnh. Nhờ được tập huấn kỹ thuật nuôi tôm của ngành chức năng, vài vụ nuôi gần đây tôi thực hiện phương pháp lấy nước vào ao lắng và thả cá cho ăn những chất tạp trong ao lắng, rồi tiến hành lọc nước, diệt khuẩn, gây màu nước rồi mới thả tôm. Biện pháp này tôi thấy hiệu quả hơn nhiều”.
Tuy nhiên theo nhiều bà con cho biết, với mô hình nuôi chung một ao, cá rô phi có khả năng sinh sản tăng đàn nhanh, cạnh tranh thức ăn và diện tích ao với tôm nuôi, hoạt động của cá rô phi cũng gây ra những bất lợi như giảm lượng oxy hòa tan và tăng độ đục của nước. Mặt khác, giá thành cá rô phi không cao, một kg bán ra chỉ khoảng 5.000 - 10.000 đồng, cho nên nhiều hộ chỉ nuôi cá với mục đích lọc nước là chính.
Riêng đối với mô hình nuôi cá rô phi trong ao lắng, bà con kết hợp nuôi thêm nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao hơn như cá Kèo, cá Chẽm, Trắm cỏ… Rô phi là loại cá rộng muối, có thể nuôi ghép với nhiều loại cá khác nhau, phân tầng sinh sống giúp tận dụng hết các diện tích ao, sử dụng hết nguồn thức ăn tự nhiên trong nước, nhờ đó sẽ làm tăng năng suất cá nuôi, giúp tăng thêm một phần lợi nhuận đáng kể cho nhà nông. Đặc biệt vẫn đảm bảo chất lượng nước để bổ sung cho ao nuôi tôm. Ông Mai Văn Chánh ở xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên, cho biết: “Hiện nay một số hội viên HTX thả cá đối trong ao nuôi thay vì thả cá rô phi. Vì con cá đối có thể ăn các chất tạp và ăn rong tảo mạnh hơn cá rô phi, hạn chế ăn thức ăn của tôm và đặc tính của con cá đối là lội suốt không ngừng nên góp phần tạo được lượng Oxy trong ao. Về đầu ra thì cá đối bán có giá hơn cá phi, góp phần tăng lợi nhuận cho người nuôi tôm”.
Nuôi ghép cá rô phi trong ao nuôi tôm, giúp tăng thu nhập cho hộ nuôi .
Theo báo cáo của Chi cục Nuôi trồng thủy sản Sóc Trăng, hiện nay toàn tỉnh thả nuôi khoảng 47.800 ha tôm nước lợ, vượt hơn 6% so với kế hoạch, đã có khoảng 12.500 ha bị thiệt hại, chiếm 26% diện tích thả giống, trong khi đó giá tôm nguyên liệu lại thấp hơn năm 2014 từ 15.000 – 40.000 đ/kg tùy loại. Do đó, tạo thêm mô hình để tăng thu nhập từ chính các ao tôm là điều nhà nông rất cần tính đến và nuôi ghép cá rô phi với nhiều loại cá khác là mô hình tương đối phù hợp hiện nay. Tuy nhiên, các ngành chuyên môn khuyến cáo bà con cần thận trọng khi nuôi các loại cá khác - ngoài cá rô phi - với tôm và chỉ nên nuôi ghép các loại cá khác với cá rô phi trong ao lắng, tránh làm ảnh hưởng đến sức sống và sinh trưởng của tôm nuôi./.