Nuôi ghép tôm thẻ với cá nâu theo công nghệ Biofloc
Nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp với cá nâu ở mật độ thích hợp trong hệ thống biofloc là một hướng đi mới giúp tăng tỉ lệ sống, khả năng tăng trưởng tốt và đảm bảo được các yếu tố môi trường nằm trong khoảng thích hợp cho sự phát triển của tôm thẻ chân trắng đặc biệt là TAN, nitrite và bioflocs.
Nghề nuôi tôm biển trong những năm trở lại đây với mức độ ngày càng thâm canh hóa. Đối tượng được quan tâm nhiều có thể nhắc đến là tôm thể chân trắng (Litopenaeus vannamei). Theo tổng cục thủy sản thì nước ta đã có diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng lên đến 110.000 ha, ước tính sản lượng khoảng 642.500 tấn góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cho nghề nuôi. Đây cũng là một loài tôm có nhiều ưu điểm thời gian nuôi ngắn, sinh trưởng nhanh và có thể nuôi ở mật độ cao.
Bên cạnh mặt tích cực là thế nhưng khi nuôi tôm ở mật độ cao cũng tìm ẩn các mối đe dọa đến môi trường, vấn đề thâm canh hóa ở tôm thể chân trắng đã làm môi trường ô nhiễm các dịch bệnh bùng phát gây khó khăn cho quá trình nuôi. Để giải quyết vấn đề này làm sao để nuôi tôm đạt hiệu quả kinh tế cao mà lại thân thiện và bền vững với môi trường trở thành vấn đề cấp thiết.
Công nghệ biofloc có thể được xem là một giải pháp thay thế tích cực và có thể áp dụng rộng rãi, thay cho công nghệ nuôi tôm truyền thống để giải quyết lượng nitơ thải ra từ thức ăn gây nên sự biến đổi bất lợi cho môi trường ao nuôi. Kèm theo đó là nuôi tôm kết hợp với các một số loài cá như cá nâu, cá rô phi cũng có thể làm sạch nước, sử dụng lại một phần hay toàn bộ nước thải từ các ao nuôi này được xem là một cách làm hiệu quả. Bởi cá nâu (Scatophagus argus) là loài sống trong môi trường rộng muối, ăn tạp thiên về thực vật, mùn bã hữu cơ, tảo, rong,... thường được nuôi ghép với tôm và có khả năng lọc môi trường. Từ những cơ sở trên việc nuôi ghép cá nâu và tôm thể chân trắng đã được thực hiện.
Với mục tiêu làm sạch môi trường nước, tăng năng suất tôm nuôi. Thử nghiệm mô hình kết hợp tôm thẻ chân trắng với cá nâu ở các mật độ khác nhau trong hệ thống biofloc đã được thực hiện. Cụ thể, cá nâu ở mật độ 20 con/m3; 30 con/m3 và 40 con/m3 được nuôi ghép với tôm thẻ chân trắng ở mật độ 300 con/m3. Hệ thống biofloc có các bể nuôi với thể tích 0,5 m3, độ mặn 15‰, tôm thẻ và cá nâu được nuôi bể riêng, nước từ bể nuôi tôm thẻ chân trắng chảy tràn qua bể nuôi cá nâu và được bơm cấp lại bể nuôi tôm thẻ chân trắng.
Thời gian nuôi là 9 tuần. Tôm thẻ được cho ăn 4 lần/ngày (7h00, 10h30, 13h30, 17h00) bằng thức ăn chứa 40 - 42% đạm với lượng thức ăn bằng 3 - 10% khối lượng thân/ngày. Trong suốt quá trình nuôi không cho cá nâu ăn, cá nâu tận dụng nguồn biofloc có trong bể, góp phần ổn định nuôi trường nuôi tôm.
Ngoài ra còn bổ sung rỉ đường định kỳ 1 lần/ngày, lượng rỉ đường bón vào bể nuôi được tính theo lượng thức ăn cho tôm ăn. Kết quả nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ biofloc kết hợp với cá nâu ở mật độ 30 con/m3 đạt kết quả tốt nhất về tăng trọng, FCR và sinh khối suất. Công nghệ biofloc và kết hợp với cá nâu giúp cải thiện môi trường nuôi, đặc biệt là NO2 và TAN, duy trì chất lượng nước ở mức thích hợp cho tôm phát triển và giúp tỷ lệ sống, sinh khối tốt.
Qua mô hình nuôi thử nghiệm trên thì việc nuôi ghép tôm thẻ chân trắng với cá nâu trong hệ thống biofloc đã cho thấy một hướng đi mới bền vững, thân thiện với môi trường và giúp tăng năng suất tôm nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao tăng thu nhập cho các nông dân nghề nuôi tôm. Đáp ứng được xu hướng mới trong nuôi trồng thủy sản trong thời gian tới.