Nuôi ngao giá ở Vân Đồn (Quảng Ninh): Cần tránh những hệ lụy do phát triển "nóng"
Sau nuôi hàu Thái Bình Dương, hiện nuôi ngao giá đang được người dân huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh tập trung nuôi nhiều, bởi thị trường tiêu thụ số lượng mạnh, hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, với việc phát triển nuôi ngao ồ ạt như hiện nay, nếu không kiểm soát tốt sẽ khó tránh khỏi những hệ lụy xấu.
Vân Đồn có 3.000ha nuôi trồng thuỷ sản, trong đó nuôi nhuyễn thể là 2.000ha, gồm nhiều loài, như hàu, tu hài, ngao, ốc các loại. Vân Đồn hiện nuôi nhiều loại ngao, như: Ngao Bến Tre, ngao dầu, ngao hoa và nuôi nhiều nhất là ngao giá (đối tượng nuôi mới, được đánh giá là có chất lượng ngon, nhiều thịt, có giá trị kinh tế cao). Ngao giá được nuôi tương tự như nuôi tu hài. Có 2 kiểu nuôi: Nuôi bằng lồng và nuôi bãi. Mỗi lồng thả nuôi từ 70 - 100 con giống cấp 2, kích thước từ 1,5 - 2,5cm/con; thời gian thả từ tháng 3, tháng 4, nuôi trong khoảng 1 năm (tuỳ thuộc vào địa điểm nuôi); cho thu hoạch từ 2 - 2,5kg thương phẩm/lồng (25 - 30 con/kg), giá bán từ 70.000 - 120.000 đồng/kg (tuỳ thuộc vào kích cỡ). Năm 2015, toàn huyện có trên 150 hộ nuôi ngao giá, năm 2016 tăng lên gấp đôi với 300 hộ nuôi, tổng diện tích nuôi 250ha. Sản lượng năm 2016 đạt 250 tấn, dự kiến năm 2017 sản lượng đến 1.000 tấn. Nhiều hộ dân nhờ nuôi ngao giá vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho nhiều lao động khác ở địa phương. Anh Nguyễn Văn Thanh (thôn 3, xã Thắng Lợi) cho biết: “So với nuôi tu hài thì giá trị dinh dưỡng của ngao giá không kém. Trong khi trên cùng diện tích, đầu tư nuôi ngao chỉ bằng 70 - 80% nuôi tu hài; tỷ lệ sống của ngao giá khá cao, từ 94 - 97%. Vụ nuôi gối năm 2015 đến đầu 2016, gia đình tôi thu hoạch được 20 tấn, doanh thu 1,5 tỷ đồng. Với kết quả đó, năm nay tôi quyết định thả nuôi thêm 10.000 lồng, nâng tổng số lên 30.000 lồng, dự kiến tháng 9 năm nay sẽ cho thu hoạch”.
Không thể phủ nhận hiệu quả kinh tế mà con ngao giá mang lại, nhưng hiện nay việc kiểm soát nguồn giống là vấn đề cần bàn. Năm 2016, giống ngao giá cấp 1 tại huyện mới chỉ sản xuất được trên 15 triệu con, trong khi nhu cầu nuôi gần 100 triệu con. Vì vậy nguồn giống chủ yếu nhập từ một số tỉnh miền Trung, ngoài ra còn nhập từ Trung Quốc. Bên cạnh đó giá cả, thị trường tiêu thụ cũng là những yếu tố tác động lớn đến hiệu quả nuôi. Hiện ngao giá chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Với những bài học nhãn tiền từ hoa quả và các loại thực phẩm khác khi xuất sang Trung Quốc, thì đây là thị trường khá bấp bênh. Hầu hết thời gian đầu, đối tác thường mua với giá rất cao, nhưng khi người dân thấy hiệu quả mở rộng diện tích nuôi, lập tức bị ép giá, dẫn đến những thiệt hại lớn. Theo ông Nguyễn Quang Ninh, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn: Ngay từ đầu năm, huyện đã tuyên truyền, khuyến cáo các hộ nuôi trồng thuỷ sản từ công tác chọn giống, kiểm dịch giống trước khi thả nuôi, chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước đối với hoạt động kiểm tra, đánh giá phân loại cơ sở nuôi trồng thuỷ sản, cho đến việc mở rộng diện tích nuôi. Tuy nhiên, chưa ai chắc chắn một điều gì khi thời tiết, thiên tai, dịch bệnh xảy ra… Lợi nhuận cao khả năng sẽ rủi ro lớn.
Phát triển “nóng” nghề nuôi ngao giá đang là một thực tế ở Vân Đồn. Mặc dù nghề này đã mang lại những hiệu quả kinh tế nhất định cho người nuôi, nhưng cũng cần phải xem xét lại một cách kỹ lưỡng. Để nghề nuôi ngao phát triển bền vững, đảm bảo ổn định đầu ra, ngành Nông nghiệp và địa phương cần đưa ra những khuyến cáo và định hướng khi nông dân mở rộng diện tích nuôi. Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ chất lượng con giống, đảm bảo cung ứng ngao chất lượng ra thị trường, đáp ứng nhu cầu nuôi và tạo uy tín cho nghề nuôi trồng ngao giá Vân Đồn. Không nên mở rộng diện tích nuôi một cách ồ ạt, tránh gây rủi ro, tổn thất cho người nuôi ngao, như thời điểm năm 2012 đã từng xảy ra hiện tượng tu hài chết hàng loạt trên địa bàn huyện, khiến nhiều hộ nuôi điêu đứng.