Nuôi ngao ồ ạt ở Thái Bình, hệ lụy khôn lường
Sau nhiều năm trầy trật vì ngao, người nuôi ngao ở Thái Bình nay đang làm thay da đổi thịt mảnh đất này. Nhưng sự phát triển "ồ ạt" các đầm nuôi ngao đang đặt ra nhiều vấn đề về môi trường nước, nhiều loại dịch bệnh mới phát sinh trong chính con ngao mà người nuôi cũng không thể kiểm soát được… Đặc biệt, thời gian gần đây, tại một số xã của huyện Thái Thụy (Thái Bình) xảy ra tình trạng trạng hàng trăm hộ dân tự ý chiếm giữ trái phép bãi triều ven biển nuôi ngao. Nhiều người dân đã xây dựng chòi kiên cố, cắm hàng ngàn cọc vây khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Điều này đã gây khó khăn cho việc quản lý và thực hiện quy hoạch đề án phát triển nuôi ngao ven biển của tỉnh Thái Bình.
Vùng nuôi ngao bãi triều ở Thái Bình.
Diện tích nuôi ngao không ngừng tăng
Thái Bình là tỉnh đồng bằng sông Hồng có 5 cửa sông lớn đổ ra biển, tạo ra một vùng bãi triều rộng khoảng 25.000 ha rất thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản mặn, lợ, trong đó có nuôi ngao. Những năm gần đây, diện tích nuôi ngao ở Thái Bình liên tục tăng nhanh. Năm 2005, diện tích nuôi ngao ở Thái Bình mới chỉ khoảng 850 ha, thì đến nay, con số này đã tăng lên gần 3 ngàn ha.
Nghề nuôi ngao trong những năm qua đã thu hút hàng nghìn lao động trực tiếp và hàng nghìn lao động theo thời vụ như thu hoạch, vận chuyển, cung cấp con giống, góp phần tích cực cho việc xoá đói, giảm nghèo, làm giầu ở Tiền Hải, Thái Thụy. Đóng góp vào sự phát triển nghề nuôi ngao ở địa phương có sự tham gia của nhiều người từ Hải Phòng, Nam Định và các địa phương khác đến đây thuê đất để làm đầm nuôi ngao khiến giá thuê đất ở 2 huyện Tiền Hải và Thái Thuỵ tăng vọt.
Hiện giá ngao thương phẩm người nuôi bán tại đầm nuôi là từ 25.000- 27.000 đồng/kg (cao hơn năm ngoái khoảng 4.000- 6.000 đồng/kg) đã kích thích nhiều hộ dân mở rộng diện tích nuôi trồng, tự ý cắm vây nuôi ngao trái phép tại vùng bãi triều. Phong trào tự phát mở rộng diện tích nuôi ngao vẫn diễn ra khá “nóng”, nhất là tại huyện Thái Thuỵ và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thực tế cho thấy, có rất nhiều hộ dân sau khi cắm vây nhưng không nuôi ngao mà bán ngay cho người người khác hoặc người đứng sau kiếm lời.
Theo báo cáo của UBND huyện, toàn bộ vùng bãi triều ven biển đã bị người dân lấn chiếm hết để nuôi ngao với diện tích ước khoảng 900 ha (theo quy hoạch đến năm 2015, tổng diện tích mặt bằng vùng bãi triều của huyện đưa vào nuôi là hơn 1,5 ngàn ha, và đến năm 2020 diện tích nuôi là trên 3,8 ngàn ha). Diện tích lấn chiếm đã vượt ra ngoài diện tích quy hoạch tổng thể của huyện khoảng 500 ha. Số đầm vi phạm chủ yếu thuộc khu vực dành cho người dân khai thác tự nhiên, vùng cửa sông, diện tích phát triển rừng ngập mặn. Những người vi phạm trên ngoài một số người ở địa phương cắm cọc, quây vây nhận chỗ vì sợ mất đất, còn có người ở các tỉnh lân cận như Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội sang chiếm đất. Một số chủ vây còn khai khống hoặc lợi dụng hộ dân địa phương đứng tên nhận giúp để chiếm đất với diện tích lớn; một số đối tượng còn đe doạ, gây rối, đánh cán bộ xã. Những hộ chiếm được nhiều diện tích bán lại cho người khác để kiếm lời. Ngoài ra còn có cả một số đối tượng có tiền án, tiền sự cũng tham gia chiếm đất. Tình trạng trên đã gây mất an ninh trật tự tại địa phương trong thời gian vừa qua.
Cũng do phát triển nuôi ngao chủ yếu là tự phát, thiếu quy hoạch, công tác quản lý bất cập, nhân tạo giống chậm, thị trường tiêu thụ phụ thuộc vào doanh nghiệp tỉnh ngoài... nên đã gây ra nhiều rủi ro cho người nuôi ngao trong tỉnh. Như ở huyện Tiền Hải, thời gian qua có khoảng 400ha nuôi ngao chết, khiến người nuôi ngao thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Ngoài những nguyên nhân do tự nhiên, nguyên nhân dẫn đến ngao chết hàng loạt là do người dân không nắm vững kỹ thuật nuôi, nhiều hộ nuôi với mật độ nuôi quá dày, có hộ lên đến 2.200 con /1 m2 trong khi khuyến cáo mật độ để ngao phát triển tốt nhất chỉ nên 700 - 800 con/1 m2.
Hệ lụy của phát triển "nóng"
Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh, hiện nay Thái Bình đang triển khai Đề án quy hoạch tổng thể phát triển nuôi ngao vùng ven biển và theo đó đến năm 2015, diện tích nuôi ngao ở Thái Bình sẽ lên tới 3.000 ha (trong đó huyện Thái Thụy 1.300 ha, huyện Tiền Hải 1.700 ha). Vì vậy, việc phát triển thêm diện tích nuôi ngao các huyện cần làm từng bước từ nay đến năm 2020, phù hợp với các điều kiện và tình hình thực tế của địa phương, khả năng chủ động về giống và thị trường. Quy hoạch tổng thể phát triển nuôi ngao vùng ven biển Thái Bình giai đoạn 2011- 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 đã được xây dựng dựa trên yêu cầu bảo đảm phù hợp với quy hoạch trồng rừng ngập mặn phòng hộ ven biển, quy hoạch phát triển du lịch biển đã được phê duyệt và định hướng quy hoạch khu kinh tế biển Quốc gia.
Trước vấn đề người dân tự ý quây đất bãi triều làm đầm nuôi ngao ở Thái Thuỵ, Sở NN-PTNT Thái Bình đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh tổ chức quy hoạch chi tiết những vùng được phép nuôi ngao, kiên quyết xử lý mạnh đối với những hộ nuôi ngao không theo quy hoạch. Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo các địa phương ven biển cũng cần phải tuyên truyền phổ biến sâu rộng hơn nữa kiến thức kỹ thuật nuôi cho người dân thay vì để họ nuôi theo kiểu tự phát, sai quy trình và theo kinh nghiệm như hiện nay.
Mở rộng diện tích nuôi ngao một cách tự phát rõ ràng đã mang lại những hệ lụy không đáng có như không đảm bảo sự phát triển cân bằng và bền vững ở các khâu nuôi con giống, đầu tư kỹ thuật nuôi trồng và cả khâu phân phối; dịch bệnh trong ngao phát triển khó kiểm soát có thể gây thiệt hại kinh tế lớn trong dân. Mặt khác, sự việc này còn dẫn tới việc tranh chấp đất đai tại địa phương có nguy cơ gây mất an ninh trật tự tại địa phương, khiếu kiện đông người…
Phát triển “nóng” nghề nuôi ngao là một thực tế đã quá rõ ràng. Quy hoạch và chiến lược phát triển đã có. Mặc dù, nghề này đã mang lại những hiệu quả nhất định cho người nuôi, nhưng việc phát triển “quá nóng” và thiếu quy hoạch của địa phương cần phải xem xét lại một cách kỹ lưỡng. Thiết nghĩ để nghề nuôi ngao phát triển bền vững, đảm bảo ổn định đầu ra, ngành nông nghiệp và địa phương cần đưa ra những khuyến cáo và định hướng khi nông dân phát triển diện tích. Cần tăng cường quản lý việc chuyển mục đích sử dụng đất bãi triều sang đất nuôi thủy sản một cách hợp lý, hạn chế tình trạng phát triển ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu. Ngoài ra, cần quản lý chất lượng con giống chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo cung ứng ngao chất lượng ra thị trường, đáp ứng nhu cầu của các địa phương và tạo uy tín cho nghề nuôi trồng ngao Thái Bình. Không thể nóng vội, mở rộng diện tích một cách "ồ ạt" tránh gây rủi ro tổn thất cho người nuôi ngao.