Nuôi nghêu: Đánh bạc với trời!
Những bãi nghêu ĐBSCL chết hàng loạt liên tục khiến không ít gia đình phải rơi vào cảnh “lao đao”. Đâu là lời lý giải cho vấn đề này và giải pháp tức thời cho bà con ngay lúc này?
Hiện tượng nghêu chết hàng loạt từ đầu tháng 02/2020 đến nay được nhận định tăng đáng kể so với những năm trước đây. Điều này gây thiệt hại nghiêm trọng cho người nuôi nghêu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ngành thủy sản nói chung và nghề nuôi nghêu nói riêng đã chịu ảnh hưởng nặng nề của sự nóng lên toàn cầu với ước tính đầu năm 2020 nhiệt độ đã tăng trung bình 1,11⁰C (theo Trung tâm dự báo thời tiết Met Office) và sự xâm nhập mặn làm cho độ mặn tăng nhanh. Kèm theo đó là các yếu tố tiêu cực khác như hạn hán khốc liệt, triều cường và sạt lở xảy ra thường xuyên.
Nghêu chết trên bãi nghêu thương phẩm cồn Chày Mười (Bình Đại, Bến Tre) cuối tháng 2/2020.
Theo một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sống và sinh trưởng của nghêu nuôi ở nhiệt độ 27⁰C đạt mức cao nhất (đạt 92%) và giảm rõ rệt ở mức nhiệt độ thấp và cao hơn (15⁰C, 35⁰C). Nhiệt độ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ba tháng đầu năm dao động từ 22⁰C đến 33⁰C, có nơi lên đến 34⁰C. Cùng với đó, hiện tượng thiếu mưa kéo dài khiến cho hạn hán, xâm nhập mặn trở nên trầm trọng hơn. Trước tình trạng nắng nóng xảy ra dẫn tới sự thay đổi đột ngột của các yếu tố môi trường, điển hình là độ pH. Độ pH ảnh hưởng tới sự phát triển của trứng, sinh sản và sự hấp thụ oxy của sinh vật. Đây là một sự đe dọa trước mùa sinh sản của nghêu trong những tháng tới (cuối tháng tư kéo dài đến đầu tháng 9).
Ở độ mặn từ 19‰ - 26‰, nghêu sinh trưởng tốt. Trước tình hình xâm nhập mặn khiến cho độ mặn thay đổi đột ngột, đặc biệt là tỉnh Bến Tre với ba huyện tiêu biểu là Bình Đại (độ mặn từ 26‰ - 29‰), huyện Thạnh Phú (độ mặn từ 25‰ - 28‰), huyện Ba Tri (độ mặn từ 27‰ - 30‰) có hơn 400ha nuôi nghêu, hàu chết hàng loạt trên diện rộng với tỷ lệ chết từ 75% đến 90% gây thiệt hại nặng nề cho toàn tỉnh. Kích cỡ trung bình của nghêu bị chết từ 50-1000 con/kg. Nghêu nhỏ có khả năng thích nghi với điều kiện môi trường có nhiệt độ dao động trong phạm vi hẹp hơn so với nghêu trưởng thành. Hầu hết Ấu trùng (larvae) nhạy cảm với sự biến động độ mặn hơn so với sự biến động nhiệt độ.
Thời tiết bất lợi là một trong những nguyên nhân khiến nghêu chết.
Lý giải về sự ảnh hưởng này, một nghiên cứu cho thấy khi nhiệt độ gia tăng từ 0-30⁰C, oxy hòa tan trong nước giảm một nửa, điều này không thể đáp ứng “năng lượng” cho mọi hoạt động sống của nghêu như: hô hấp, tiêu hóa thức ăn, trao đổi chất, đào hang,... Khi độ mặn của môi trường tăng lên thì độ mặn của máu sẽ lớn hơn của các tế bào, các tế bào sẽ bị co lại, các ion trong tế bào sẽ trở nên đậm đặc hơn và chức năng của enzyme sẽ bị phá vỡ. Hiện tượng nghêu chết hàng loạt do có sự kết hợp giữa các yếu tố thời tiết giao mùa, sự biến động đột ngột của nhiệt độ, độ mặn lại ít mưa dẫn đến các độc tố trong đất bãi nuôi bị tích tụ, ảnh hưởng đến việc trao đổi khí với bề mặt, kết hợp với mật độ nghêu thả dày dẫn đến việc cạnh tranh thức ăn và không gian sống, nghêu dễ bị sốc và chết.
Trước tình hình trên, bà con nên tiến hành khai thác khẩn trương, đồng thời chủ động san thưa, di dời để hạn chế thiệt hại. Đối với khu vực có nguy cơ cao cần san thưa, san lấp các vùng trũng để tránh ngập nước cục bộ. Riêng đối với khu vực đã có nghêu chết cần thực hiện công tác vệ sinh, thu gom xác nghêu chết, di chuyển kịp thời để tránh ảnh hưởng đến các khu vực lân cận.
Với tình hình thời tiết ngày càng thất thường, hạn hán, xâm nhập mặn hoành hành, kỹ thuật nuôi không có nhiều cải tiến… nghề nuôi nghêu sẽ còn tiếp tục xuất hiện hàng tấn nghêu chết, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Qua rồi những năm tháng nuôi đâu thắng đó, nuôi nghêu giờ đây đã trở thành nghề đánh bạc với trời, thắt lòng nghe tiếng thở dài bất lực từ những xác nghêu chất chồng trắng bãi...