Nuôi rươi, trồng lúa cho hiệu quả cao gấp 10 lần
Trong nhiều năm qua, người dân Ninh Bình nói chung, huyện Kim Sơn nói riêng đã triển khai các mô hình nuôi rươi tự nhiên và nhân tạo, tận dụng nguồn ấu trùng rươi từ sông vào đồng ruộng qua các con nước thủy triều, đắp bờ tại các bãi bổi ven sống thành các ao, đầm có cống nước ra vào để tạo điều kiện cho rươi sinh sống. Một số hộ kết hợp cấy lúa và nuôi rươi tuy nhiên năng suất thấp, thường xuyên thất bại khi thời tiết không thuận lợi.
Nhận thấy nguồn lợi lớn từ việc nuôi rươi trên bãi bồi sông Đáy, đầu năm 2019, ông Trương Hải Lưu – hội viên nông dân xóm 7 xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn đã triển khai thử nghiệm mô hình ứng dụng công nghệ sinh học nuôi rươi nhân tạo trên ruộng lúa hữu cơ với diện tích 600m2 tại xã Chất Bình. Qua triển khai mô hình, chỉ tính riêng doanh thu từ con rươi đã đạt giá trị kinh tế 15 – 20 triệu đồng/sào với giá thu mua tại ruộng 400 – 500 nghìn đồng/kg, cao gấp 2 lần so với mô hình nuôi rươi tự nhiên.
Từ thành công bước đầu của mô hình thử nghiệm, năm 2020, gia đình ông tiếp tục triển khai mô hình nuôi rươi nhân tạo kết hợp với trồng lúa hữu cơ thảo dược trên bãi bồi ven sông Đáy tại xã Quang Thiện. Mô hình có sự tham gia thêm của 2 hộ dân địa phương trên diện tích 2,5 ha. Gia đình ông Lưu hỗ trợ cung cấp giống lúa, giống rươi và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình, đồng thời cũng bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Trong quá trình nuôi, trên toàn bộ diện tích không dùng bất kỳ sản phẩm hóa chất nào như phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Toàn ruộng chỉ sử dụng phân bón vi sinh, phân bón hữu cơ để sản xuất lúa hữu cơ, cải tạo môi trường sống cho rươi. Quanh ruộng rươi ông Lưu trồng một số loại cây như hoa cúc, mướp, điền thanh để thu hút ong bướm, làm giảm sâu bệnh cho lúa hữu cơ thảo dược. Vì vậy, gạo từ ruộng rươi hoàn toàn là gạo sạch.
Sau khi thu hoạch xong lúa đông xuân, ông Lưu tiến hành tiêu độc khử trùng và bón phân hữu cơ lên men để tiếp tục cải tạo đất. Khi tiến hành lấy nước vào ruộng, cần điều chỉnh độ mặn hợp lý (từ 2-10 ‰) để tạo môi trường phù hợp rồi mới bắt đầu thả ấu trùng rươi vào ruộng. Nguồn giống rươi nhân tạo được phát triển bởi tiến sỹ Hà Văn Nhân, nguyên Viện trưởng Viện Cây và lương thực, thực phẩm Việt Nam.
Qua đánh giá bước đầu, có thể nói mô hình nuôi rươi đã thành công, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa khoảng 10 lần. Việc triển khai mô hình nuôi rươi – lúa hữu cơ nói trên hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ với mục tiêu nuôi trồng thủy sản bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường. Đây là mô hình mới, thiết thực, tăng thu nhập ổn định cho người nông dân.