Nuôi sá sùng
Ông Trần Quang Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) cho biết người dân phát hiện sá sùng có trong ao nuôi tôm, nên đã khoanh bảo vệ và nuôi thành công sá sùng khiến chúng tôi hơi tò mò. Bởi sá sùng không lạ lẫm với dân biển, nhưng nuôi nhân tạo thành công rất khó.
Ông Trần Văn Gần, thôn Tuần Lễ cho biết, trước đây gia đình ông nuôi tôm công nghiệp. Những năm đầu tiên thả nuôi còn có lãi, nhưng về sau dịch bệnh hoành hành, nguồn giống không đảm bảo nên nuôi bị thua lỗ. Năm 2006 khi phát hiện trong ao nuôi tôm nhà mình có sá sùng, thay vì bán vét sá sùng với giá 2,5 triệu đồng thì ông đã giữ lại nuôi và tự khai thác.
Lúc đó tôi khoanh nuôi 8.000 m2, nhưng một nửa diện tích ao nuôi sá sùng, nửa còn lại nuôi tôm quảng canh, thả với mật độ thưa kèm với nuôi sá sùng tầng đáy. Vụ đầu tiên tôi thu 800 kg sá sùng thương phẩm, bán với giá từ 120.000 - 160.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí lãi gần 100 triệu đ”, ông Gần nói.
Từ trước đến nay việc nuôi sá sùng của gia đình ông Gần chưa hề gặp trở ngại, trung bình cứ nuôi từ 7 - 10 tháng là thu hoạch được 1 tấn sá sùng thương phẩm. Hơn nữa nhờ áp dụng mô hình nuôi sá sùng kết hợp với thả tôm, cá dìa mật độ thưa, nên ngoài nguồn thu sá sùng gia đình ông còn tăng thu nhập nhờ thu tôm, cá. Mỗi năm sau khi trừ tất cả chi phí còn lãi hàng trăm triệu đồng.
“Nếu so với việc nuôi tôm thì nuôi sá sùng ăn chắc, không sợ dịch bệnh, không cần đầu tư con giống, thuốc men. Thức ăn của chúng cũng giống như nuôi tôm (gồm thức ăn tôm và cá tạp), nhưng cho ăn với số lượng ít, thường 5 - 7 ngày cho ăn 1 lần…Hơn nữa đầu ra rất mạnh, giá thị trường mỗi năm càng tăng, hiện đang ở mức từ 200.000 - 215.000 đ/kg”, ông Gần chia sẻ.
Hiện nhiều hộ thấy nuôi sá sùng hiệu quả cũng học làm theo, khoanh nuôi với tổng diện tích khoảng 8 ha. Thế nhưng, việc nhân rộng mô hình đang gặp nhiều khó khăn. Bởi những ao nào đã có sá sùng sống dưới đáy thì mới có thể áp dụng khoanh nuôi và cho thu hoạch. Do vậy không ít hộ tự tìm mua con giống khai thác ngoài tự nhiên đem về thả nuôi, nhưng kết quả không như mong muốn.
Ông Trần Văn Gần cho biết, nhờ Viện Nuôi trồng thủy sản 3 chỉ cách thức nhân giống, nên sá sùng nuôi đẻ với mật độ rất dày, thu hoạch đạt năng suất cao. Quy trình thực hiện phương pháp khá đơn giản, sau khi thu hoạch xong tháo hết nước trong ao, tiến hành cày ải, phơi khô trong thời gian 5 - 7 ngày để trứng của sá sùng gặp nắng sẽ tự nở. Sau 7 ngày thì tiến hành lấy nước vào ao nuôi từ 0,8 - 1m để ấu trùng phát triển thành con non.