TIN THỦY SẢN

Nuôi sò huyết ở Cà Mau "vốn ít lãi nhiều"

Ảnh minh họa Kim Há

Hiện nay, nhiều hộ dân ở Cà Mau đã tận dụng diện tích ao đầm nuôi tôm để thả nuôi sò huyết. Đây là mô hình kinh tế cho thu nhập cao so với nuôi các loài thủy sản khác.

Ông Nguyễn Văn Dũng ở huyện Đầm Dơi, cho biết: năm 2013, gia đình ông đầu tư 20 triệu đồng mua 100 kg sò giống (trọng lượng từ 250-300 con/kg) thả nuôi trong vuông tôm, sau 6-7 tháng thả nuôi đạt sản lượng gần 2 tấn sò huyết thương phẩm. Trừ các khoản chi phí đầu tư, gia đình ông thu về từ 80-100 triệu đồng/vụ nuôi. Từ hiệu quả của mô hình này, ông Dũng đã mở rộng gấp đôi diện tích nuôi sò huyết kết hợp với nuôi tôm sú, nuôi cua để tăng nguồn thu nhập.

Nếu như trước đây sò huyết chủ yếu được thả nuôi ở vùng bãi bồi hoặc dưới tán rừng ngập mặn, thì nay loại thủy sản này được nhiều hộ dân ở Cà Mau tận dụng đất chuyên canh nuôi tôm kết hợp nuôi sò huyết. Do vậy, trong những năm gần đây, diện tích nuôi sò huyết của tỉnh tăng nhanh, tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ dân.

Nuôi sò huyết không cần vốn đầu tư lớn, lại không tốn nhiều công sức chăm sóc, hơn nữa do nuôi sò theo hình thức tự nhiên nên chất lượng thịt thơm ngon. Nếu sò nuôi đạt trọng lượng càng lớn sẽ bán được giá càng cao. Vào đợt thu hoạch sò huyết, nhiều thương lái đến tận vùng nuôi cạnh tranh thu mua và vận chuyển đi tiêu thụ ở các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Tp. Hồ Chí Minh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, đây là mô hình kinh tế hiệu quả nên cần nhân rộng ở những vùng chuyên nuôi thủy sản, vùng đất ngập mặn. Tỉnh chú trọng quy hoạch hợp lý vùng nuôi, diện tích nuôi sò huyết thương phẩm, hỗ trợ kỹ thuật nuôi, thu hoạch và bảo quản chất lượng sau thu hoạch; đồng thời vận động nông dân liên kết thành lập các tổ hợp tác hỗ trợ nhau trong sản xuất, chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ, bảo đảm ổn định đầu ra cho sò huyết thương phẩm-mặt hàng đặc sản của vùng biển Cà Mau./. 

Kim Há TTXVN/VTV Cần Thơ, 05/05/2014