TIN THỦY SẢN

Nuôi thủy sản 3 con kết hợp

Anh Lễ thăm ao nuôi cá Chình đạt từ 600 gram đến 1kg/con THẠCH THẢO – LÊ HOÀNG VŨ

Anh Hà Ngọc Lễ, ấp Thới Hữu, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ) nói: “Tôi không tin mình nuôi lứa tôm càng xanh đầu tiên lại thắng lợi như vậy”. Từ diện tích ruộng 1 ha với 2 ao nuôi,  làm lúa và nuôi tôm, mỗi vụ thu gần 300 triệu đồng.

Vốn là bộ đội trong ngành y tế ra quân, anh Lễ về làm nông dân với 2 bàn tay trắng, trắng cả đồng vốn lẫn kiến thức nông nghiệp; nhưng từ một lớp tập huấn về nuôi trồng thủy sản cho bộ đội phục viên, anh đã đến với nghề nông. Cũng từ đồng vốn có được trong vụ nuôi tôm đầu tiên thắng lợi mà những năm tiếp theo vợ chồng anh dồn hết tiền của để đầu tư cho con tôm. Điều đáng mừng là vụ nào anh cũng thành công, vụ sau đạt hơn vụ trước.

Đến với gia đình anh Lễ, chúng tôi nhờ cán bộ khuyến nông xã Đông Hiệp dẫn đường len lỏi các ngõ ngách vùng quê yên bình, hai bên đồng ruộng trắng xóa vào mùa nước, mà đa phần người dân cũng sống bằng nghề đánh bắt cá và nuôi thủy sản, nhưng còn nghèo.

Riêng trường hợp anh Lễ, có lẽ nhờ mô hình nuôi thủy sản 3 con kết hợp thành công mà căn nhà nằm cập bờ kênh Thới Hữu với đầy đủ tiện nghi có phần tươm tất hơn. 2 đứa con anh cũng được ăn học đàng hoàng.

Nhớ lại thời gian khổ, anh tâm sự: “Qua nhiều năm, hai vợ chồng tích góp mua được 4 công ruộng, một năm làm lúa 2 vụ, còn vụ 3 vào mùa nước nổi tôi mua cá về thả trên ruộng. Qua nhiều năm thực hiện mô hình "2 lúa 1 cá" rất thành công, tăng thu nhập cho gia đình. Từ những thành công đó, năm 2001 tôi được xã Đông Hiệp cho đi tham quan mô hình nuôi tôm trên ruộng lúa ở Hậu Giang. Rời chuyến tham quan ấy, tôi quyết tâm nuôi tôm càng xanh”. Không bao lâu anh đào ao, mua giống thả thử trên diện tích 1.000 m2. Vụ đó, anh thu hoạch được 400 kg tôm càng xanh, trừ hết chi phí anh lời trên 22 triệu đồng.

Chưa dừng ở con tôm, anh lại tiếp tục nuôi thêm 2 loài thủy sản “nặng ký” khác là con cá chình và bống tượng. Cái duyên để anh nuôi 2 con này cũng là sự tình cờ, khi anh xem tivi thấy phóng sự nông dân Cà Mau nuôi cá bống tượng kết hợp với loại cá chình. Anh thấy hay quá vì 2 loài cá này có thể sống chung với nhau, cùng ăn một loại thức ăn.

Tâm đắc với mô hình này và cũng từ nguồn vốn nuôi tôm, ít lâu sau anh thuê người đào ao rộng 500 m2, rồi mua cá giống bống tượng ở Hậu Giang, giống cá chình ở tận miền Trung hơn 12 triệu đồng về thả nuôi. Mô hình nuôi kết hợp cá chình, bống tượng cũng đem lại thành công không kém nuôi tôm.

Mùa này nước lũ, thức ăn dễ tìm nên anh tận dụng săn bắt hoặc mua thêm từ những người đánh bắt đem về cho cá ăn. Những tháng mùa khô, anh lấy cá con từ những bể xây trên bờ nuôi cá rô phi đẻ để làm mồi cho cá chình và bống tượng. Có thể nói, nguồn thức ăn cho cá được anh Lễ tận dụng như vậy, gần như là một mô hình khép kín, nên chi phí đầu tư ít.
Anh Lễ cho biết thêm: “Mô hình nuôi cá kết hợp không khó và nhàn, vì hai loại cá này chỉ cho ăn cùng một loại thức ăn và gần như chúng tận dụng thức ăn trong ao hầm, không để dư thừa trong nước. Thức ăn của hai loài cá này là mồi cá đồng xay ra, cho ăn 1 ngày 2 cữ, sáng và chiều. Trung bình mỗi buổi ăn, anh thả xuống hầm cá chình và bống tượng chỉ 5 - 7 kg cá mồi là đủ.

Cái khó nhất trong việc nuôi cá chình là việc tìm mua con giống; giá cá con khá cao, 32.000 đ/con. Đa phần giống mua từ nguồn săn bắt ngoài thiên nhiên nên phải đặt hàng, vận chuyển từ xa về, đôi khi không kiểm soát được nguồn giống. Mặt khác, cá chình đem về thả ao nuôi đôi khi tỷ lệ hao hụt cao khoảng 30%; nuôi thêm tuần đầu, có thể hao hụt tiếp khoảng 20%.

Cái được là khi cá chình đã thích nghi môi trường thì sống rất khỏe và lớn nhanh. Hiện nay cá chình của anh đang trong giai đoạn từ 600 gram - 1kg/con. Còn cá bống tượng nuôi ghép cũng đạt từ 400 - 500 gram/con với giá bán hiện nay từ 370.000 - 400.000 đ/kg. Hiện anh Lễ chuẩn bị tuyển chọn cá bống tượng xuất bán cho thương lái, dự kiến khoảng 50 kg. Với cá chình, anh quyết định giữ lại nuôi tiếp để hy vọng có giá cao hơn khi cá đạt trọng lượng chuẩn.

Mô hình nuôi ghép của anh Lễ có được lợi nhuận quanh năm. Cá bống tượng một năm cho thu hoạch 2 lần, tôm 1 năm thu hoạch 1 lần, còn cá chình thì anh chưa bán vì cá có quá trình nuôi dài, 3 - 4 năm, lúc cá đạt trọng lượng từ 2 - 3kg/con mới thu hoạch.

Điều thành công nữa là anh đã rành kỹ thuật cho cá bống tượng đẻ, nên không phải tốn tiền mua con giống. Cái lợi nữa là khi cá con bằng kích cỡ với con giống tôm, anh thả cá bống tượng con nuôi chung với tôm để đỡ tốn nguồn thức ăn; khi tôm tới lứa bán, anh đem cá bống tượng lúc này cũng đã lớn về thả nuôi chung với cá chình để có được trọng lượng loại I giá cao. Quả là sự kết hợp khéo, hài hòa.

THẠCH THẢO – LÊ HOÀNG VŨ http://nongnghiep.vn