Nuôi thủy sản ngoài khơi có xu hướng tăng
Hiện nay, nuôi thủy sản ngoài khơi chiếm một phần nhỏ trong nuôi trồng thủy sản toàn cầu, tuy nhiên, hoạt động này sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu thủy sản cho hơn 8 tỷ dân trên thế giới dự kiến năm 2030.
Đó là kết luận của Hội thảo nuôi thủy hải sản xa bờ lần thứ 6 (Offshore Mariculture Conference), diễn ra vào đầu tháng 4/2016 tại Barcelona, Tây Ban Nha. Đây là chương trình tập hợp các chuyên gia trên thế giới về nuôi thủy sản xa bờ để trao đổi kiến thức chung về ngành, cũng như xác định những trở ngại và đưa ra giải pháp tiềm năng.
Hội thảo năm nay nghiên cứu về thách thức và triển vọng của những trại nuôi xa bờ. Ngoài ra, hội thảo cũng xem xét các cơ hội tăng thêm giá trị khi đổi mới chuỗi cung ứng, và cơ hội kinh doanh đi kèm với hoạt động nuôi thủy sản, ví dụ như sản xuất rong biển, giàn đa năng, năng lượng gió và sóng.
Ernesto Penas Lado, giám đốc phát triển chính sách của Ủy ban châu Âu cho biết, nguồn cung thủy sản, đặc biệt là từ nuôi thủy sản xa bờ có thể đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho lượng dân số toàn cầu đang tăng lên.
Theo Ernesto Penas Lado, một lượng thủy sản tiềm năng lớn ở ngoài khơi còn chưa được khai thác. Gần đây, các chi phí về công nghệ và các khuyến khích kinh tế gắn với hoạt động nuôi thủy sản xa bờ còn chưa phù hợp, tuy nhiên, điều này sẽ nhanh chóng thay đổi.
Penas Lado cho biết, vì chi phí công nghệ cao, hoạt động nuôi thủy sản ngoài khơi tại Liên minh châu Âu còn thấp, dù lao động phục vụ ngành nuôi trồng thủy sản của EU là khoảng 85.000 người và có giá trị 4 tỷ - 4,6 tỷ USD/năm. Hoạt động nuôi trồng thủy sản là 1 trong 5 trụ cột của chiến lược tăng trưởng xanh của EU, đặc biệt nuôi thủy sản ngoài khơi có tiềm năng tạo công ăn việc làm và phát triển bền vững.
Ví dụ, dự án “Đa dạng hóa " trị giá 13,7 triệu USD của EU đang nghiên cứu về những loài thủy sản mới ở vùng Địa Trung Hải, tại đây, ngư dân được phổ biến rộng rãi về hoạt động nuôi trồng thủy sản, cũng như cơ hội nuôi và đánh bắt thủy sản ngoài khơi đem lại. Theo Constantinos Mylonas, điều phối viên dự án “Đa dạng hóa” tại Trung tâm Hy Lạp về nghiên cứu biển, nhu cầu về cá chẽm và cá tráp biển (những loài phổ biến nhất hiện nay được nuôi ở Địa Trung Hải) giảm. Người tiêu dùng có xu hướng chuyển từ cá tấm có kích thước đĩa sang sản phẩm dễ nấu và sạch hơn.
Một giải pháp đưa ra là nuôi các loài có kích thước lớn hơn phục vụ cho sản xuất philê, tuy nhiên, điều này sẽ làm chi phí tăng. Thay vào đó, việc đa dạng hóa hướng tới các trại nuôi lớn hơn và tập trung vào các loài tăng trưởng nhanh như cá đù Địa Trung Hải (meagre), cá cu (Greater amberjack), cá bơn Đại Tây Dương (Atlantic halibut), cá hố (wreckfish), cá đối (grey mullet) và cá pike (pike perch).
Michael Rubino, giám đốc của Dịch vụ Thủy sản NOAA cho biết, Hoa Kỳ đang cố gắng tận dụng lợi thế về tiềm năng nuôi trồng thủy sản của mình. Nguyên nhân chính là quá trình cho phép hoạt động gặp khó khăn và kéo dài. Dù có nhiều thách thức, một số dự án ngoài khơi đang được thực hiện. Trong đó có 2 dự án ngoài khơi bờ biển California là: trại nuôi vẹm ở Biển Catalina và dự án Rose Canyon về nuôi cá chỉ vàng (yellowtail jack), cá chẽm trắng (white seabass) và cá bass sọc (striped bass) trong các ngư trường của liên bang.
Tại Canada, băng là một trở ngại chính trong nuôi trồng thủy sản ngoài khơi. Tuy nhiên, ông Mike Meeker (ngư dân nuôi cá hồi) đang phát triển một hệ thống lồng chìm để bảo vệ cá hồi an toàn khỏi những tảng băng.
Tại Mỹ Latinh, nuôi thủy sản xa bờ cũng chưa được khai thác nhiều.
Chủ trì hội thảo, ông Alessandro Lovatelli của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), kêu gọi chính phủ tiếp tục hỗ trợ cho ngành nuôi thủy sản ngoài khơi còn non trẻ: "Nuôi thủy sản ngoài khơi có thể ít tác động đến môi trường nếu thực hiện đúng cách, và điều này cần phải được truyền đạt hiệu quả đến mọi người. Tầm quan trọng của nuôi trồng thủy sản cần được ý thức liên tục, nhưng không chỉ các DN làm, mà cần có sự tham gia của chính phủ. "