TIN THỦY SẢN

Nuôi thủy sản ở rừng ngập mặn hướng đến kết hợp với du lịch trải nghiệm

Những ao nuôi tôm vuông vắn nằm đan xen trong rừng ngập mặn, màu xanh cây rừng hòa lẫn màu xanh của trời nước rất hấp dẫn du khách. Ảnh: V.Đ.T Vũ Đình Thung

Những ao nuôi tôm vuông vắn nằm xen trong rừng ngập mặn, màu xanh cây rừng hòa lẫn màu xanh của nước, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch trải nghiệm…

Du lịch xanh từ rừng ngập mặn

Không nói đâu xa, khu sinh thái Cồn Chim - đầm Thị Nại nằm trên địa bàn huyện Tuy Phước (Bình Định) hiện đã trở thành điểm du lịch rất thu hút du khách. Những ao tôm vuông vắn, với màu xanh của những rừng cây đước đã dẫn dụ lũ chim trời về đây trú ngụ, nhất là vào những chiều muộn lũ cò tụ tập về từng đàn khiến Cồn Chim trở thành “đảo ngọc sinh thái”, không du khách nào muốn bỏ qua mỗi khi có dịp về Bình Định.

Theo ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Định, ốc đảo Cồn Chim đầy tiềm năng phát triển du lịch sinh thái với thế mạnh là phong cảnh nguyên sơ tựa như sông nước ở miền Tây Nam bộ. Đặc biệt, khi hoàng hôn buông xuống, nhiều loài chim bay về đây tạo không gian thanh bình, sản vật ở đây cũng rất phong phú; tôm, cua, cá được nuôi đầy trong các ao đìa. Nếu đưa Cồn Chim vào khai thác phục vụ du lịch, sẽ là điều kiện tốt để ngành du lịch Bình Định có thêm một điểm đến hấp dẫn, đồng thời dịch vụ này sẽ nâng cao mức sống của người dân địa phương.

Nhận ra tiềm năng phát triển du lịch của Cồn Chim, thời gian qua, UBND Tuy Phước đã phối hợp với Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM) tiến hành xây dựng mô hình thí điểm du lịch homestay tại đây. Kỳ vọng của lãnh đạo và ngành chức năng huyện Tuy Phước từ mô hình du lịch homestay là sẽ kết hợp khai thác có hiệu quả nhất tiềm năng, lợi thế của vùng rừng ngập mặn gắn với nghề nuôi trồng thủy sản, tạo thêm sinh kế cho người dân vùng sông nước, từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch của địa phương.

Dù đang công tác trong ngành nông nghiệp, nhưng anh Trương Xuân Đưa, Trưởng trạm Nghiên cứu, Ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp thuộc Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã vẽ ra viễn cảnh "du lịch xanh" không chỉ ở Cồn Chim mà còn ở nhiều vùng nuôi thủy sản tổng hợp xen tôm - cua - cá trên địa bàn Bình Định.

Rừng ngập mặn dẫn dụ lũ chim trời về trú ngụ, những chiều muộn lũ cò tụ tập về từng đàn đã giúp Cồn Chim trở thành “đảo ngọc sinh thái”. Ảnh: V.Đ.T

Theo anh Đưa, những vùng nuôi tôm theo phương thức xen canh tôm - cua - cá ở Bình Định đều là vùng sông nước, ngoài những nơi đã phủ xanh rừng ngập mặn, những ao đìa trong vùng nuôi thủy sản tổng hợp cũng đều có trồng cây ngập mặn quanh ao nuôi, không gian phủ kín màu xanh của cây, nước và đất trời.

Khách du lịch đi trên những chiếc sõng thưởng ngoạn cảnh sông nước, ngắm chim trời, về đến các ao đìa nuôi tôm tiếp tục trải nghiệm thả lưới đánh bắt những loài thủy sản, sau đó lên lửa nướng tôm, cá, nấu lẩu cua thưởng thức dưới bóng những cây đước, cây bần thì không còn gì bằng.

Ô nhiễm môi trường đe dọa vùng nuôi thủy sản

Tiềm năng du lịch sinh thái, "du lịch xanh" của các vùng sông nước nuôi thủy sản thuận tự nhiên ở Bình Định tươi sáng là vậy, nhưng để trở thành hiện thực, các ngành chức năng tỉnh này còn nhiều việc phải làm.

Theo ThS Tạ Xuân Hoài, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, vấn đề hiện nay của Bình Định là làm sao để du khách biết đến Cồn Chim, để du khách biết khi đến đây sẽ được sống trong môi trường sinh thái, được hít thở không khí trong lành trong không gian xanh êm đềm và trải nghiệm ẩm thực. Bằng mọi cách, Bình Định phải làm cho du khách biết được nơi đây là điểm dừng chân có dịch vụ tốt.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Đình Thành, Trưởng phòng Nghiên cứu xã hội (Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định), tốc độ đô thị hóa hiện nay ở những vùng ven đầm phá đã phá vỡ nhiều không gian sinh thái, làm ảnh hưởng không ít đến những diện tích rừng ngập mặn. Về lâu dài, chính quyền và ngành chức năng ở Bình Định cần nhận ra vấn đề này để tính toán hợp lý khi quy hoạch, tránh làm tổn thương đến “lá phổi” của không gian Bình Định, tước mất lợi thế của nhiều vùng dân cư có thể phát triển du lịch sinh thái để tránh tiếc nuối về sau.

Du khách về các vùng nuôi thủy sản dưới rừng ngập mặn còn có thể trải nghiệm ẩm thực, tự đánh bắt thủy sản chế biến món ăn. Ảnh: V.Đ.T

Điểm “nghẽn” trong phát triển du lịch sinh thái tại những vùng nuôi thủy sản tổng hợp trong rừng ngập mặn của Bình Định hiện nay, đó là môi trường vùng hạ lưu đang bị đe dọa nghiêm trọng từ ô nhiễm xuất phát từ vùng thượng lưu. Sự ô nhiễm này vừa gây hại cho nghề nuôi trồng thủy sản của người dân ở đây, vừa phá vỡ môi trường sinh thái cả vùng.

Thói quen của nông dân ở các địa phương ở vùng thượng nguồn thường vứt rác thải trong sản xuất nông nghiệp ra sông suối, đáng quan ngại nhất là bao bì các loại thuốc bảo vệ thực vật. Đó là chưa kể các loại vật nuôi bị chết do dịch bệnh cũng được thải ra các kênh mương, sông suối. Khi mưa lớn, tất cả các loại rác thải nói trên sẽ trôi về vùng hạ du, xâm nhập vào các vùng nuôi tôm, gây hại cho các loài thủy sản nuôi trong các ao đìa và gây ô nhiễm cho những vùng sông nước có thể phát triển du lịch xanh.

Để khắc phục tình trạng này, ngành tài nguyên môi trường, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cùng người dân cần phải phối hợp chặt chẽ mới có thể ngăn chặn được. Rác thải phải được xử lý tại nguồn thì vùng hạ du mới mong được giảm thiểu ô nhiễm. Nếu không thì hoạt động nuôi thủy sản tổng hợp trong điều kiện chịu ảnh hưởng trực tiếp nước thủy triều sẽ lâm cảnh bi đát, viễn cảnh du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm ở các vùng rừng ngập mặn có nuôi trồng thủy sản cũng sẽ tắt ngấm...

2 năm nay, vùng nuôi thủy sản tổng hợp phía dưới đê ở Bình Định thường xảy ra tình trạng nước ngập lút cổng do ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Ảnh: V.Đ.T

Điển hình cho mối lo ngại này có thể kể tới ở thôn Huỳnh Giản Nam, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước), nơi đây được mệnh danh là “túi đựng rác” từ thượng nguồn trút xuống và đã địa phương này đã phải mướt mồ hôi xử lý rác thải.

Theo ông Nguyễn Văn Chín, Phó thôn Huỳnh Giản Nam, giao thông trong những vùng nuôi tôm là những con đường đất rất nhỏ, địa phương phải vận động người dân dùng xe đẩy, cộ rùa đi thu gom rác để xử lý nhằm làm giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước nuôi tôm.

“Trên thượng nguồn cỡ tháng 4 tháng 5 ít mưa thì không nói gì, những tháng mùa mưa nước bẩn từ trên nguồn ùa xuống, mang theo những tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp xâm nhập vào ao đìa nuôi thủy sản khiến tôm bị chết hàng loạt. Bình thường mực nước ao đầm chỉ cao 2,4m, khi nước lũ về, mực nước đầm lên cao 2,6 - 2,7m, phả bờ, ngập cả cổng nên người nuôi trồng thủy sản không chống đỡ nổi. Rác thải từ thượng nguồn theo nước lũ về làm ô nhiễm cả vùng nước mênh mông”, anh Võ Văn Thanh, người nuôi thủy sản tổng hợp ở thôn Bình Thới, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) than thở.

Vũ Đình Thung Nông Nghiệp Việt Nam