Nuôi thủy sản tổng hợp cho hiệu quả cao
Bên cạnh nghề nuôi tôm nước lợ với đối tượng nuôi chính là tôm thẻ chân trắng, tôm sú, vài năm trở lại đây, người nuôi trồng thủy sản trong tỉnh đã phát triển nghề nuôi thủy sản tổng hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) hiện có 79,6 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản với 34 ha nuôi tôm, diện tích còn lại người dân nuôi hỗn hợp hoặc nuôi chuyên các loài thủy sản như hàu, ốc hương trên đầm Đề Gi.
Nhà có 2 ao nuôi thủy sản với tổng diện tích 6.000 m2, ông Phạm Ngọc Hậu, ở thôn Ngãi An, xã Cát Khánh thả nuôi xen canh 50.000 con tôm thẻ chân trắng, 4.000 con cua, hơn 6.000 con cá chua, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. “Mùa nắng thì tôi nuôi xen canh tôm, cua, cá còn mùa mưa thì tôm nuôi hay xảy ra dịch bệnh nên tôi sẽ giảm số lượng tôm, chỉ tập trung vào nuôi cua, cá. Nhờ áp dụng tốt quy trình nuôi, kỹ thuật chăm sóc nên thủy sản phát triển tốt”, ông Hậu cho hay.
Nghề nuôi trồng thủy sản ở xã Tam Quan Nam (huyện Hoài Nhơn) cũng phát triển mạnh. Toàn xã có 45 ha nuôi trồng thủy sản tập trung ở các thôn: Cửu Lợi Nam, Cửu Lợi Tây, Cửu Lợi Bắc. Ngoài nuôi tôm thẻ chân trắng, một số hộ dân ở đây cũng đã chuyển sang mô hình nuôi xen canh tôm, cua, cá.
Anh Lê Văn Nhơn, ở thôn Cửu Lợi Nam, cho hay: “Trên diện tích ao 5.500 m2 tôi thả nuôi 120 nghìn con tôm thẻ chân trắng, hơn 4.000 con cua, 3.500 con cá đối mục nên lúc nào cũng có nguồn thủy sản để bán. Tôm, cua thì nuôi đánh tỉa thả bù, còn cá đối mục nuôi khoảng 8 tháng sẽ xuất bán. Với tôm, cá, tôi cho ăn thức ăn công nghiệp, còn cua thì cho ăn cá tươi cắt nhỏ. Nuôi tổng hợp theo kiểu này thu nhập của gia đình tôi mỗi năm được hơn 150 triệu đồng”.
Tại TP Quy Nhơn, nghề nuôi tôm hùm, mực, cá bằng hình thức nuôi lồng, bè trên biển ở các xã Nhơn Hải, Nhơn Châu cũng phát triển mạnh. Theo ông Hồ Nhật Lệ, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu, mấy năm gần đây, xã khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển, nhân rộng các mô hình nuôi thủy sản, góp phần giải quyết việc làm, đem lại thu nhập ổn định. Cả xã hiện có 139 hộ đầu tư thả nuôi 13.800 con tôm hùm, 7.300 con mực lá, hơn 1.000 con cá dìa, cá kình trên 15 bè nuôi.
Bè nuôi thủy sản trên biển ở xã đảo Nhơn Châu, TP Quy Nhơn.
Không chỉ nuôi trồng thủy sản để phát triển kinh tế, nhiều hộ dân ở xã Nhơn Châu, Nhơn Hải còn phát triển nghề nuôi thủy sản nước mặn gắn với phát triển du lịch. Ông Nguyễn Văn Trợ, ở thôn Tây, xã Nhơn Châu, chia sẻ: “Tôi làm nghề đánh lưới bằng thúng và giữ lại nguồn mực giống đánh bắt được để thả nuôi. Bè của tôi hiện nuôi hơn 500 con mực lá, khi khách du lịch có nhu cầu, tôi chở họ ra bè để câu mực, họ câu được bao nhiêu thì sẽ cân bán cho họ”.
Anh Đoàn Ngọc Bạo, chủ nhà bè du lịch Cát Trắng, ở xã Nhơn Hải, cho hay: “Tôi chia bè du lịch của mình làm 6 ô nuôi thủy sản, diện tích 2 m2/ô để thả nuôi mực nan, mực lá, chình, cá mú, cá gáy, cá dìa, ốc, bào ngư, nhum…, phục vụ nhu cầu thưởng thức ăn hải sản tươi sống của du khách. Nguồn giống thủy sản chủ yếu được mua gom từ ngư dân đánh bắt ở địa phương. Du khách rất thích thú khi được tận tay câu cá, mực sống và thưởng thức tại bè”.