TIN THỦY SẢN

Nuôi tôm công nghệ cao đang “kẹt” vốn

Dù có hiệu quả bước đầu, nhưng nuôi tôm công nghệ cao khó lan tỏa do “kẹt” nguồn vốn đầu tư. Trong ảnh là mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kính của tập đoàn Việt-Úc. Ảnh: Trung Chánh Trung Chánh

Nuôi tôm công nghệ cao ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bước đầu đã thành công. Thế nhưng, nhân rộng mô hình này không phải dễ vì tiềm lực tài chính của người dân có hạn, trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư hạ tầng phục vụ việc nuôi rất khó khăn.

Tôm công nghệ cao “bén duyên” Bạc Liêu

Tại hội thảo “Làm nông nghiệp công nghệ cao: Kinh nghiệm và giá trị tham khảo từ mô hình nuôi tôm mới của tập đoàn Việt-Úc” tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu mới đây, ông Tạ Hoàng Nhiệm, Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bạc Liêu, cũng là hộ nông dân được tập đoàn Việt-Úc hỗ trợ triển khai hai ao nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kính, quy mô 100 mét vuông/ao, nói: “Khi Việt-Úc triển khai mô hình, trong đầu tôi nghĩ nuôi như thế này chắc chỉ để nuôi kiểng chơi thôi vì ao quá nhỏ, nuôi được bao nhiêu con”.

Thế nhưng, thông tin từ phía tập đoàn Việt-Úc, mỗi héc ta diện tích ao nuôi có thể đạt sản lượng 100 tấn. “Khi nghe thật sự tôi cũng không tin, nhưng bước vào triển khai qua các vụ nuôi thì kết quả đạt được rất tốt”, ông Nhiệm cho biết. Ông dẫn chứng, vụ đầu tiên ông thả nuôi mật độ 400 con/mét vuông, kết quả thu hoạch của hai ao được 1,6 tấn; vụ thứ hai, ông thả nuôi mật độ 500 con/mét vuông, thu được 2 tấn; vụ thứ ba và thứ tư tiếp tục thu được 1,7 và 1,6 tấn. “Trong hai ao hiện nay, bốn vụ liên tục tôi đều trúng hết. Nếu so với mức tiềm năng một tấn/ao thì chưa đạt tuyệt đối, nhưng cũng đạt 1,6-1,7 tấn/ hai ao”, ông Nhiệm nhận xét.

Trong khi đó, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết sau một năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định về mặt chủ trương cho tỉnh Bạc Liêu hình thành khu công nghệ cao chuyên về tôm, đến nay, các phân khu quy hoạch chi tiết đã được Bộ Xây dựng thông qua.

Theo ông, khu công nghệ cao này, ngoài việc ứng dụng công nghệ cao trong quy hoạch nuôi, chế biến mà địa phương đã giao cho tập đoàn Việt-Úc thực hiện với quy mô 315 héc ta, thì phần còn lại (60 héc ta), địa phương dành đưa các mô hình công nghệ cao vào để trình diễn. “Khi người dân đến tham quan, đây sẽ là nơi cho họ học tập kinh nghiệm, xem thực tế các mô hình sản xuất trong chuỗi ngành tôm, từ con giống bố mẹ đến tôm con, rồi quá trình nuôi, ngoài ra còn có một số sản phẩm khác đi kèm để phục vụ”, ông Trung cho biết.

Kết quả bước đầu theo đánh giá của ông Trung là rất tốt, bởi sau khi hình thành, lập tức đã thu hút được 20 doanh nghiệp đăng ký vào khu vực lõi 60 héc ta trong khu công nghệ cao này. Thế nhưng, địa phương chỉ mới chấp nhận cho sáu doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực tôm đầu tư ở lần cấp phép đầu tiên. “Số còn lại, chúng tôi cũng rất thận trọng trong cấp phép vì diện tích của mình ít, trong khi nếu cấp ào ạt, nhiều khi doanh nghiệp không làm công nghệ cao “nghiêm túc” cũng muốn vào, thì có khi sẽ không kiểm soát được”, ông Trung giải thích.

Ông Trung cho biết, thời gian qua, địa phương có khoảng 100 mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kính do doanh nghiệp và người dân triển khai thực hiện thành công. Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Việt- Úc, cho biết tỷ lệ thành công trong mô hình nuôi tôm công nghệ cao của đơn vị này lên đến 85%, trong khi các mô hình nuôi truyền thống chỉ đạt khoảng 25-30%.

“Kẹt” vốn, khó lan tỏa

Ông Phùng Quốc Điền, Tổng giám đốc NS BlueScope Lysaght Việt Nam, đơn vị cung cấp giải pháp phát triển hạ tầng phục vụ cho các mô hình công nghệ cao trong nông nghiệp cho biết, chi phí đầu tư cho mỗi mét vuông diện tích cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi tôm công nghệ cao khoảng 500.000 đồng, đó là chưa bao gồm chi phí đất, đào ao, bạt lót ao... khoảng 100.000 đồng/mét vuông.

Như vậy, với một ao nuôi tôm công nghệ cao diện tích 1.000 mét vuông, tổng chi phí đầu tư khoảng 600 triệu đồng, tương đương mức đầu tư cho mỗi héc ta lên đến khoảng 6 tỉ đồng. Điều này, theo lời của ông Nhiệm, sẽ là một “rào cản” rất lớn, người nông dân rất khó để tiếp cận được hướng đầu tư sản xuất mới này.

Ông Trung thừa nhận, trong số khoảng 100 mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở địa phương này, chủ yếu do doanh nghiệp đầu tư hoặc liên kết với nông dân đầu tư để trình diễn và theo đó, các doanh nghiệp thức ăn, giống cũng đồng hành cung cấp đầu vào cho người dân. Còn trên thực tế, “những hộ gặp khó khăn về tài chính rất khó tiếp cận được mô hình nuôi này, bởi tài sản họ đã thế chấp, trong khi ngân hàng cũng là doanh nghiệp, họ kinh doanh tiền tệ, cũng phải chịu trách nhiệm dòng tiền của mình nên khoảng cách giữa người cần tiền nuôi tôm công nghệ cao với ngân hàng còn rất xa”, ông giải thích.

Ông Trung cho biết thêm, thời gian qua, địa phương đã nhiều lần mời các ngân hàng thương mại trên địa bàn đến tìm hướng tháo gỡ vấn đề vốn cho người dân nhưng phía ngân hàng rất dè chừng và yêu cầu địa phương phải đứng ra bảo lãnh mới đồng ý cho vay. Theo ông, Chính phủ đã có gói hỗ trợ 100.000 tỉ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao, song “lấy” được nguồn vốn này rất khó, nhất là với người nông dân.

Vậy làm sao giúp người dân tiếp cận được vốn để các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao lan tỏa thật sự? Ông Trung gợi ý, hướng giải quyết bài toán này có thể bắt đầu từ doanh nghiệp. “Ví dụ, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 30 nhà máy chế biến tôm. Ngân hàng cho những đơn vị này vay vốn. Sau đó, từ nguồn này, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ trực tiếp cho người dân đầu tư hạ tầng với tư cách đây sẽ là vùng nuôi của doanh nghiệp và họ sẽ bao tiêu sản phẩm cho nông dân”, ông Trung nói. Ông cũng cho biết ý tưởng này đã được ngân hàng chấp nhận và hiện cũng đã có một số ngân hàng áp dụng.

Mặt khác, theo ông Trung, địa phương đang tập trung ngân sách để tăng mạnh cho nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của tỉnh. “Khi nguồn vốn này đủ mạnh thì sẽ hỗ trợ bảo lãnh tín dụng cho người dân. Như vậy, chắc chắn ngân hàng vào cuộc mạnh mẽ hơn vì ngân hàng cho biết nếu có bảo lãnh tín dụng từ Nhà nước thì họ sẽ vào cuộc”, ông Trung nói. 

Trung Chánh TBKTSG