Nuôi tôm công nghệ cao – xu thế tất yếu
Hiện nay nhiều hộ nông dân đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ và khoa học kỹ thuật cao trong nuôi tôm. Hiện tại đã có nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao xuất hiện và mang lại hiệu quả thiết thực. Đây được xem là hướng đi mới, hiệu quả và bền vững đối với người nông dân nuôi trồng thủy sản.
Anh Nguyễn Xuân Sứ, thôn Bích Du, xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy có hàng chục năm nuôi tôm. Nhận thấy nuôi tôm theo hình thức quảng canh truyền thống hiệu quả không cao, anh Sứ mạnh dạn đầu tư áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Dù phải đầu tư nhiều nhưng mô hình này cho thấy hiệu quả rõ rệt. Tôm ít bị dịch bệnh, năng suất, chất lượng cao hơn gấp từ 3 – 5 lần so với cách nuôi truyền thống.
Anh Nguyễn Xuân Sứ cho biết: "Mình áp dụng thấy hiệu quả cao, con tôm được nuôi trong ao tráng thành bê tông, đáy lót bạt mềm thì sinh trưởng tốt. Nhiệt độ ao nuôi được kiểm soát tốt, môi trường ao nuôi sạch. Từ đó con tôm ít bị dịch bệnh, sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh."
Điểm ưu việt của nuôi tôm theo công nghệ cao là 1 năm có thể nuôi được từ 4 – 5 vụ so với cách nuôi quảng canh thông thường vốn chỉ được từ 1 – 2 vụ. Bởi lợi thế của ao nuôi có cả nhà bạt. Trong đó, tôm có thể nuôi được cả mùa đông bởi được che phủ bạt và đảm bảo điều kiện nhiệt độ thích hợp. Nhất là thời điểm này tôm bán được giá cao, lợi nhuận vì thế cao hơn gấp 3 đến 4 lần so với cách nuôi truyền thống.
Tuy nhiên có một thực tế hiện nay là dù hiệu quả nhưng nhiều hộ nông dân vẫn chưa mặn mà, áp dụng rộng rãi mô hình này. Theo số liệu từ Chi cục thủy sản Thái Bình, hiện trong số hơn 2.960 ha nuôi tôm nước lợ thì mới chỉ có 145 ha là áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Trong đó, tập trung chủ yếu ở 3 địa phương là xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy, xã Nam Thịnh, Nam Phú của huyện Tiền Hải.Theo các hộ nông dân thì để nuôi tôm theo hướng công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, trong khi đó người nông dân lại gặp khó khăn trong làm thủ tục thế chấp để vay vốn ngân hàng.
Anh Nguyễn Xuân Sứ bày tỏ: "Hiện bà con nông dân đang rất mong muốn các cấp chính quyền cấp lại giấy cho thuê đất cho bà con. Từ đó làm cơ sở để bà con thế chấp với ngân hàng vay vốn. Đây là điểm mà bà con rất mong muốn được giải quyết hiện nay."
Ngoài nguồn vốn lớn, nuôi tôm công nghệ cao đòi hỏi người nông dân phải biết ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao trong nuôi trồng. Trong khi đó đa số các hộ nông dân vẫn quen thuộc với cách nuôi truyền thống vốn đã cũ kỹ lạc hậu. Đây là những khó khăn mà các địa phương phải tháo gỡ để phát triển nuôi tôm thời gian tới.
Ông Lê Văn Hoan - Cán bộ phòng NN&PTNT huyện Thái Thụy: Chúng tôi hiện đang triển khai đề án phát triển thủy sản của tỉnh nhằm giúp các hộ dân chuyển từ nuôi tôm phương thức cũ sang nuôi công nghệ cao. Đồng thời đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con. Đưa bà con tham quan các mô hình để có kiến thức nhất định về áp dụng trong nuôi tôm đạt hiệu quả cao thời gian tới.
Có thể thấy nuôi tôm đang trở thành ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên để con tôm phát triển đúng với những tiềm năng, lợi thế ở khu vực ven biển thì nhiệm vụ trước tiên Nhà nước cần phải đề ra các các cơ chế chính sách đặc thù giải quyết những khó khăn, tồn đọng hiện nay, khuyến khích các hộ nông dân mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản nói chung và con tôm nói riêng phát triển hiệu quả và bền vững trong giai đoạn tới.