TIN THỦY SẢN

Nuôi tôm nước lợ: Ẩn họa từ nguồn điện và máy oxy

Trục quay của máy tạo oxy gây nguy cơ tai nạn cho người nuôi tôm. Ảnh: Hà Quang Hà Quang

Để nuôi tôm nước lợ, người dân phải kéo điện ra ao nuôi nhằm chạy máy tạo oxy, nhưng vì đầu tư sơ sài và tâm lý chủ quan nên hệ thống này đã gây ra nhiều vụ tai nạn đáng tiếc.

Cách đây chưa lâu, nhiều người dân hốt hoảng khi chứng kiến cái chết thương tâm của anh N.V.T. (thôn Hà Quang, xã Tam Tiến, Núi Thành). Khoảng 9 giờ tối ngày 10.12, người dân phát hiện anh T. đã tử vong cạnh chiếc máy tạo khí oxy cho ao nuôi. Cánh tay của anh gần đứt lìa do bị cuốn vào trục quay của chiếc máy này và trên người bị nhiều vết thương sâu, gây tử vong. Người dân kể lại, anh T. vừa nhận việc phụ giúp chăm sóc ao nuôi tôm cho một người cùng thôn. Khoảng 7 giờ tối cùng ngày, anh ra ao để kiểm tra, chăm sóc tôm, đến khoảng 9 giờ tối do liên lạc không được nên người nhà chạy ra tìm thì phát hiện anh gặp nạn. Nhiều người nhận định, có thể lúc kiểm tra anh T. trượt ngã và tay áo dính vào chiếc đinh trên trục quay nên bị cuốn vào.

Ở xã Tam Tiến, nhiều vụ tai nạn tương tự đã từng xảy ra. Cách đây mấy năm, tại thôn Hà Quang, anh N.C.Y. cũng bị tử vong do trục quay của máy tạo oxy cuốn chiếc áo anh đang mặc, chèn ép lồng ngực nhưng không được phát hiện kịp thời. Hay như trường hợp tai nạn của một cô giáo vào năm ngoái, người dân cũng phát hiện cô này tử vong dưới ao tôm trong tư thế bị trục quay cuốn vào, dìm xuống nước. Người nuôi tôm cho biết, có rất nhiều trường hợp suýt chết cũng vì chiếc máy này. Anh Nguyễn Hồng Phi (một người nuôi ở thôn Hà Quang) cho biết, máy tạo oxy được đặt trên bờ ao gắn với mô tơ điện, trục quay của chiếc máy này dài khoảng 5m nối từ bờ xuống mặt nước, chia thành nhiều đoạn để gắn cánh quạt tạo oxy. Trên trục quay luôn có nhiều chiếc đinh khóa để kết nối các đoạn chuyển động. Vì chiếc máy này thường hỏng hóc và cần phải điều chỉnh độ cao thấp theo con nước trong ao nên người nuôi thường xuyên kiểm tra. Không may trong lúc kiểm tra, nếu có một vật gì dính vào trục quay thì dễ kéo luôn cả người vào, gây tai nạn. Anh Phi từng bị chiếc đinh của trục quay cuốn ống quần dài, nhưng may mắn anh vớ được một cây trụ ôm chặt, để cho chiếc quần tuột ra khỏi người, cuốn vào trục. “Chiếc đinh trên trục cần phải được lồi ra để vặn ốc cho chặt, lúc quay thì dễ cuốn các vật khác. Trong khi đó người nuôi tôm thường chủ quan vì nghĩ rằng chiếc đinh này rất ngắn và không để ý đến những vật dụng trên người. Nhưng chỉ cần lơ là, chiếc đinh này có thể cuốn tà áo, ống tay áo và quần, áo mưa… đang lòng thòng trên người là gây ra tai nạn” - anh Phi nói.

Ngoài nguy cơ bị trục quay cuốn vào, người nuôi tôm cũng dễ bị điện giật vì hệ thống điện dẫn ra ao nuôi thường có nhiều mối đấu nối hở, rò rỉ. Trong khi đó người nuôi thường xuyên tiếp xúc với nguồn nước để chăm sóc tôm. Người ướt, dễ bị trơn trượt, té ngã và cũng tạo ra nguy cơ bị điện giật. Trong năm qua, tại xã Tam Tiến có 2 trường hợp tử vong vì bị điện giật trong quá trình nuôi tôm. Ông Nguyễn Giúp - Chủ tịch UBND xã Tam Tiến nói: “Nguyên nhân chính là người dân rất chủ quan với các nguy cơ gây ra tai nạn. Đặc biệt, trong quá trình nuôi tôm phải tiếp xúc với nhiều thiết bị điện - cơ nhưng các thiết bị này không được người dân đầu tư bài bản, sử dụng đúng kỹ thuật nên dễ gây ra tai nạn đáng tiếc”.

Hà Quang Báo Quảng Nam, 21/12/2015