Nuôi tôm quảng canh cải tiến: Giảm rủi ro, lợi nhuận cao
Thời gian qua, người nuôi tôm trên địa bàn huyện Đầm Dơi (Cà Mau) gặp rất nhiều khó khăn, nhất là dịch bệnh trên tôm vẫn thường xuyên xảy ra, giá tôm nguyên liệu lên xuống thất thường khiến không ít người nuôi thua lỗ. Trước những khó khăn của người nuôi tôm, huyện Đầm Dơi đã thực hiện nhiều giải pháp để giảm rủi ro trong quá trình nuôi, đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi.
Huyện đã tích cực vận động người dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cách nuôi mới để hạn chế dịch bệnh. Khuyến khích người nuôi tuân thủ đúng quy hoạch của ngành chức năng như thả giống đúng lịch thời vụ, chọn lựa con giống đảm bảo chất lượng, đạt kích cỡ và phải kiểm tra dịch bệnh trước khi thả nuôi. Đối với mô hình nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp, huyện đã cử kỹ thuật nắm chặt địa bàn từng khu vực nuôi để hướng dẫn kỹ thuật cho người dân.
Bên cạnh đó, ngành chức năng của huyện cũng tăng cường kiểm tra vật tư đầu vào như thức ăn, thuốc thuỷ sản để giảm gánh nặng về thức ăn kém chất lượng, thuốc thuỷ sản giả cho người nuôi. Để áp dụng mô hình nuôi mới, Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với các ngành chuyên môn mở 4 lớp học hiện trường tại các xã Tân Đức, Tân Tiến, Quách Văn Phẩm Bắc và xã Thanh Tùng.
Ông Trần Văn Lập, ấp Kinh Ngang, xã Quách Văn Phẩm Bắc sau khi được hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm tại hiện trường, ông đã bao ví 5.500m2 và thả 15.000 con sú giống. Sau 4 tháng chăm sóc, ông tiến hành tỉa thưa, tôm đạt 26 con/kg, qua ba đợt tỉa thưa, thu được hơn 10 triệu đồng. Dự kiến, đợt nuôi tôm này, ông có thu nhập gần 30 triệu đồng.
Việc mở các lớp dạy nghề tại hiện trường là cách làm hay, bởi nông dân được nghe lý thuyết, vừa trực tiếp thực hành tại hiện trường, những vấn đề chưa nắm vững đều được chuyên môn giải đáp, hướng dẫn tận tình. Chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, bằng các lớp dạy nghề tại hiện trường như đã thực hiện, bước đầu giúp bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ nuôi tôm quảng canh truyền thống sang nuôi tôm quảng canh cải tiến.
Kỹ sư Lê Thanh Đăng, Phòng NN&PTNT huyện Đầm Dơi, cho biết: “Chuyển giao khoa học - kỹ thuật có hiệu quả nhất là mở lớp học hiện trường. Đây là phương pháp chuyển giao cầm tay chỉ việc, hướng dẫn người dân từ khâu cải tạo thả giống, quản lý môi trường đến khi thu hoạch”.
Với 5 ha, gia đình ông Huỳnh Văn Nam, ấp Mỹ Phú, xã Tạ An Khương đang phát triển mô hình nuôi tôm nước tĩnh. Mỗi năm ông nuôi hai vụ tôm, mỗi vụ ông thả 150.000 con tôm sú giống, mật độ từ 10 - 15 con/m2. Sau bốn tháng nuôi, ông thu hoạch từ 18 - 20 con/kg, sau khi trừ chi phí, ông còn lãi trên 250 triệu đồng/năm.
Nuôi tôm nước tĩnh ít thay nước được người dân thực hiện tích cực. Hiện nay mô hình này đã được áp dụng ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện với trên 2.000 ha.
Các giải pháp giảm rủi ro trong nuôi tôm của huyện Đầm Dơi đã tạm thời tháo gỡ khó khăn phần nào cho người dân, giảm gánh nặng về chi phí đầu vào cho người nuôi tôm. Đồng thời những biện pháp này cũng tạo sự đột phá để hướng sản xuất của huyện phát triển bền vững trong thời gian tới./.