TIN THỦY SẢN

Nuôi tôm quảng canh cải tiến, nông dân Thới Bình tăng thu nhập

Nuôi tôm quảng canh cải tiến, nông dân Thới Bình tăng thu nhập Minh Phong

Những năm qua, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến ở huyện Thới Bình không ngừng tăng. Mô hình này từng bước khẳng định tính hiệu quả, góp phần đáng kể trong việc tăng sản lượng tôm nuôi, nâng cao lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích.

Theo nhiều hộ thực hiện thành công mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, từ nuôi quảng canh truyền thống chuyển sang quảng canh cải tiến rất dễ thực hiện. Bởi, mô hình này không đòi hỏi nguồn vốn lớn hay kỹ thuật cao, tỷ lệ rủi ro lại thấp và khả năng thành công cao hơn. Phần lớn nông dân trong huyện quen lối nuôi tôm theo hình thức truyền thống, thả gối vụ; khi chuyển sang nuôi tôm quảng canh cải tiến, bà con chỉ tốn thêm công cho tôm ăn, kiểm tra nguồn nước, môi trường sống của tôm.

Đây là cơ sở để nông dân từng bước làm quen với phương thức làm ăn theo tác phong công nghiệp như: Theo dõi tình hình tôm nuôi, quản lý thức ăn, môi trường, sử dụng chế phẩm sinh học. Sau vài vụ nuôi, nông dân tích luỹ được kinh nghiệm trong quá trình nuôi.

Hiệu quả từ nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp trồng lúa đem đến triển vọng nâng cao đời sống cho nông dân huyện Thới Bình.

Đến nay, toàn huyện có gần 6.500ha nuôi tôm quảng canh cải tiến, năng suất bình quân gần 400kg/ha; trong đó có hơn 500ha nuôi theo hình thức cho ăn nên thời gian thu hoạch tôm rất nhanh và đạt lợi nhuận cao. Với mô hình này, nhiều hộ lãi hơn 50 triệu đồng/ha.

Nhận thấy nuôi tôm quảng canh cải tiến cho lợi nhuận và năng suất cao so với nuôi tôm truyền thống, gia đình ông Nguyễn Văn Lập (ấp Lê Hoàng Thá, xã Tân Bằng) chọn mô hình này. Tham gia vào Cánh đồng lớn do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh tổ chức, hộ ông thực hiện mô hình theo sự hướng dẫn của kỹ sư. Ông Lập chia sẻ kỹ thuật: Trước khi vào vụ nuôi, tiến hành sên vét, vệ sinh vuông nuôi, tu sửa lại bờ bao, phơi đất đến khi đất nứt chân chim, sau đó bón vôi. Khi bơm nước vào vuông phải qua lưới lọc và chỉ lấy mực nước ở mức 1,5m dưới mương và 0,6m trên đầm. Sau 3 ngày, tiến hành diệt khuẩn bằng Lodine và 3 ngày tiếp theo bón phân gây màu nước bằng DAP, thường thì vào lúc 6 - 8 giờ sáng, 5 ngày sau kiểm tra lại các yếu tố môi trường. Cụ thể, độ mặn 10 - 20%0, pH 7,5 - 8,5, độ kềm 80 - 160 mg/l, độ trong 30 - 40, màu nước nên nhạt hoặc màu trà (vì ông Lập cấy vi sinh). Khi tất cả các yếu tố môi trường đều thích hợp, mới tiến hành thả giống. Sau 2,5 tháng nuôi, tôm đạt kích cỡ 40 con/kg; khi thu hoạch, lợi nhuận gần 70 triệu đồng.

“Cánh đồng lớn luân canh lúa, tôm” nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến là mô hình rất thích hợp trong điều kiện sản xuất hiện nay. Khi thực hiện mô hình, bà con tổ viên trong tổ hợp tác có điều kiện lựa chọn được nguồn giống sạch bệnh, chất lượng tốt, được áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân tăng thêm thu nhập trong quá trình sản xuất. Ông Lê Thanh Hùng, Trưởng trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện, đánh giá: “Diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến trên địa bàn huyện tăng nhanh là do năng suất đạt khá cao. Thêm vào đó, trong quá trình sản xuất, nông dân tích lũy được nhiều kinh nghiệm, vốn; cách thức sản xuất dần có sự thay đổi. Ngoài ra, bà con còn có thể cải tạo đất để gieo cấy lúa khi mùa vụ đến. Mô hình này có thể thực hiện được ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện”.

Minh Phong Báo Cà Mau