Nuôi tôm siêu thâm canh trên đất rừng là trái Luật Lâm nghiệp
“Đối với trường hợp UBND xã Lâm Hải (huyện Năm Căn) xác nhận cho hộ ông Trần Thanh Hùng nâng cấp cơ sở nuôi tôm thâm canh lên siêu thâm canh là chưa phù hợp với chủ trương của tỉnh”, đó là ý kiến của Chi cục Thuỷ sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau)
Tìm giải pháp xử lý phù hợp, tạo sự đồng thuận
Như Báo Cà Mau phản ánh, trên địa bàn xã Lâm Hải có 39 hộ/38,43 ha nuôi tôm thâm canh, trong đó có trường hợp hộ ông Trần Thanh Hùng (ấp Xẻo Lớn). Đến năm 2021 ông Hùng đưa cơ giới vào nâng cấp, cải tạo 2 ao đất nuôi tôm thâm canh (đã hình thành khu nuôi trước năm 2017) thành hệ thống khu nuôi siêu thâm canh gồm 3 ao nuôi lót bạt, kèm 3 ao chứa, lắng nước và được Chủ tịch UBND xã Lâm Hải ký xác nhận ngày 13/12/2021 vào đơn đăng ký nâng cấp khu nuôi.
Diện tích vốn là đất rừng kinh tế đang được hộ ông Trần Thanh Hùng cải tạo thành ao nuôi tôm theo hình thức siêu thâm canh. (ảnh chụp ngày 19/1/2022)
Xác minh tại địa phương, Chi cục Thuỷ sản cho biết, tuy ngay sau đó UBND xã đã có văn bản thu hồi đơn xác nhận “Đăng ký nâng cấp khu nuôi”, nhưng đã gây dư luận không tốt. Đồng thời, việc UBND xã cho phép hộ ông Trần Thanh Hùng tiếp tục nuôi đến tháng 1/2023 gây bức xúc dư luận. Do đó, Chi cục Thuỷ sản đề nghị UBND xã tìm giải pháp xử lý phù hợp, tạo sự đồng thuận của người dân trong công tác quản lý.
Đại diện UBND xã Lâm Hải cho rằng, trường hợp hộ ông Trần Thanh Hùng, do chi phí nâng cấp hệ thống khu nuôi siêu thâm canh đã bỏ ra khá lớn (được xã cho phép trước đó), nên cho phép (theo nguyện vọng) chủ hộ nuôi đến tháng 1/2023 để thu hồi vốn như đã cam kết.
Giám sát hoạt động cải tạo ao, vuông nuôi tôm
Văn bản báo cáo kết quả rà soát, xác minh nuôi tôm siêu thâm canh trên đất rừng tại ấp Xẻo Lớn (xã Lâm Hải, huyện Năm Căn), từ sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh qua phản ảnh trên Báo Cà Mau, được ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký, khẳng định: Việc đưa cơ giới vào đào ao, làm thay đổi hiện trạng đất trồng rừng (hộ ông Trần Thanh Hùng - PV) là trái với quy định trong Luật Lâm nghiệp.
“UBND xã cần chủ động phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, Ban Quản lý rừng phòng hộ đóng trên địa bàn kiểm tra, giám sát hoạt động cải tạo ao, vuông nuôi tôm đúng theo quy định”, ông Châu Công Bằng nhấn mạnh.
Ông Châu Công Bằng cũng đề nghị UBND xã Lâm Hải phối hợp với đơn vị quản lý rừng kiểm tra, rà soát lại các hộ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trên địa bàn, kịp thời khôi phục lại diện tích, hiện trạng đất trồng rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp; đồng thời chủ động phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân điều chỉnh lại mục đích sử dụng đất đúng theo quy định.
Đưa cơ giới vào cải tạo đất rừng để nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn xã Lâm Hải. (ảnh chụp ngày 19/1/2022)
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, mặc dù đã có văn bản quy định không được phép nuôi tôm công nghiệp trong vùng rừng ngập mặn, sinh thái, nhưng việc chuyển đổi hình thức nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh phát sinh mới vẫn tiếp tục xảy ra gây lúng túng cho cơ quan quản lý địa phương.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn số 3279/BNN-TCTS, ngày 19/3/2017 về quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng quy hoạch nuôi tôm sú, sinh thái tại Cà Mau. Về phía địa phương, có Thông báo số 419/TB-VP, ngày 4/5/2018 của Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau thông báo ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử tại chuyến đi khảo sát thực tế và làm việc với UBND huyện Ngọc Hiển và các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản trên đất rừng ngập mặn, vùng nuôi tôm sinh thái theo đúng quy định của Luật Lâm nghiệp. Theo đó, vùng rừng ngập sinh thái Cà Mau, khuyến khích phát triển mô hình nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến có hiệu quả, phù hợp với vùng nuôi tôm rừng ngập mặn, sinh thái, gắn kết với các doanh nghiệp hỗ trợ chứng nhận, phát triển vùng nguyên liệu tôm nuôi được chứng nhận hữu cơ, nâng cao giá trị cho sản phẩm tôm.