TIN THỦY SẢN

Nuôi tôm thẻ chân trắng đại trà, ngành chức năng khó kiểm soát

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng ở  xã Phú Hưng, huyện Cái Nước.    Ảnh: HOÀNG DIỆU Trúc Ly

Từ khi mới bắt đầu nuôi tôm, các chuyên gia ngành thuỷ sản khuyến cáo, quy hoạch nuôi tôm thẻ chân trắng phải nuôi riêng biệt với tôm sú, xây dựng hệ thống thuỷ lợi, nguồn nước khép kín, tuyệt đối không để lẫn lộn giữa nguồn nước nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng.

Nguyên nhân là con tôm thẻ chân trắng mang nhiều mầm bệnh, khó phòng trừ.

Chi cục phó Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản Nguyễn Văn Trung cho biết: Trước đây, tỉnh có quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, gần đây tỉnh cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng với hình thức nuôi công nghiệp chung với khu nuôi tôm sú công nghiệp ở những khu quy hoạch nuôi tôm công nghiệp. Nhưng chỉ nuôi thẻ chân trắng ở loại hình công nghiệp, không được nuôi các loại hình khác.

Tuy nhiên, do thời gian nuôi tôm thẻ chân trắng ngắn (chỉ khoảng 2 tháng), rủi ro ít so với tôm sú, nên người dân tự phát nuôi tôm thẻ chân trắng ngoài vùng quy hoạch rất nhiều. Đây là vấn đề rất khó, ngành chức năng chưa có cách giải quyết.

Thời gian gần đây, người dân bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng, ồ ạt thả nuôi tôm thẻ chân trắng cùng con tôm sú ngoài vùng quy hoạch tập trung, hậu quả cả hai cùng bị dịch bệnh, thiệt hại nặng.

Ông Phạm Tấn Đức, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, cho biết, sau nhiều vụ nuôi tôm sú thất bại, thấy nhiều người nuôi tôm thẻ thành công, ông cũng chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Được gần 30 ngày tôm bắt đầu có dấu hiệu bị thiệt hại.

Cùng chung cảnh ngộ với ông Đức, anh Mai Thanh Hải nhiều năm thăng trầm với con tôm, than: “Sau nhiều vụ nuôi tôm thất bại, thấy con tôm thẻ chân trắng là đối tượng mới, thời gian nuôi ngắn, gia đình tôi đi vay mượn gần 20 triệu đồng để cải tạo ao, mua con giống thả nuôi, hy vọng thắng lợi vụ này sẽ trả nợ ngân hàng. Ai ngờ sau gần 1 tháng nuôi, tôm bệnh và chết sạch”.

Đó là hai trong nhiều hộ nuôi tôm theo kiểu kết hợp “mù” dẫn đến hậu quả bị thiệt hại nặng. Mặt khác, hầu hết nông dân nuôi tự phát nên việc đầu tư ao xử lý thải không bảo đảm, dẫn đến ô nhiễm môi trường nuôi và dịch bệnh.

Người nuôi tôm cho rằng, tôm chết là do nhiều nguyên nhân, “thua keo này bày keo khác”. Họ không biết chính kiểu “sản xuất mù”, chạy theo phong trào đã gây tác hại không nhỏ đến môi trường sinh thái: nước, đất nhiễm mầm bệnh, khó sản xuất những vụ tiếp.

Tôm thẻ chân trắng là loài thuỷ sản khó nuôi, mang nhiều dịch bệnh. Nếu không am hiểu kỹ thuật, xử lý triệt để mầm bệnh thì dễ phát sinh và lây lan rất nhanh ra các loài thuỷ sản khác. Ông Nguyễn Văn Trung khuyến cáo: Nếu ai không nắm chắc kỹ thuật, đầu tư thiếu đồng bộ thì tuyệt đối không nên nuôi tôm thẻ chân trắng.

Trúc Ly Cà Mau Online