TIN THỦY SẢN

Nuôi tôm thẻ chân trắng- Lợi bất cập hại

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng Bài, ảnh: H. Huynh- M. Hiển

Vùng nuôi nước ngọt tỉnh An Giang nằm ở thượng nguồn sông Cửu Long- không thích hợp để nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, vì lợi ích trước mắt, một số nông dân ở Châu Phú, Châu Thành khoan giếng tìm mạch nước lợ bơm xuống ao, rồi pha muối loãng để nuôi tôm thẻ chân trắng cho bằng được.

Ông Huỳnh Văn Th. (thị trấn An Châu, Châu Thành), Nguyễn Hữu Tr. (xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú) là 2 trong 11 nông dân có diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng nhiều nhất, với 5.000m2/người nuôi.  Lý giải vì sao nuôi tôm thẻ chân trắng, ông Tr. (xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú) cho rằng: Trước đây, nuôi tôm càng xanh toàn đực nhưng không hiệu quả (tôm chậm lớn, thời gian thu hoạch kéo dài, giá bán cao hơn tôm thường nên khó tiêu thụ, chủ yếu bán ở chợ hoặc đám tiệc…). “Thấy ở Đồng Tháp và Tiền Giang… nuôi tôm thẻ chân trắng hốt bạc tỷ nên tôi chuyển sang nuôi loại này thử nghiệm. Qua mấy vụ nuôi cho hiệu quả rất tốt” - ông Tr. cho biết. Đồng thời, ông còn thông tin thêm: Tôm thẻ chân trắng lớn rất nhanh trong giai đoạn đầu. Sau khi đã đạt 20gram, tôm bắt đầu lớn chậm và tôm cái thường lớn nhanh hơn tôm đực. Nuôi tôm thẻ chân trắng có nhiều thuận lợi, như: Giá tôm thẻ giống 85 đồng/con, rẻ hơn so với tôm càng xanh (tôm càng xanh toàn đực giá 400 đồng/con và tôm càng xanh thường giá 200-210 đồng/con). Tôm thẻ chân trắng sinh trưởng nhanh, thời gian nuôi ngắn hơn so tôm càng xanh (từ 2,5- 3 tháng có thể thu hoạch, kích cỡ 70- 80 con/kg), bán giá cao và dễ tiêu thụ.

Theo khảo sát của Chi cục Thủy sản, thấy mô hình này “dễ ăn” nên một số hộ dân ở xã Vĩnh Thạnh Trung (Châu Phú) và xã Hòa Bình Thạnh (Châu Thành) đang chuẩn bị kế hoạch nuôi tôm thẻ chân trắng. Trong khi đó, tôm thẻ chân trắng là đối tượng thủy sản sống ở môi trường nước mặn. Nên việc nuôi loài thủy sản này trong điều kiện nước ngọt ở An Giang sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đa dạng sinh học và môi trường sinh thái; ảnh hưởng cơ cấu giống loài thủy sản tự nhiên. Nguy hiểm hơn, việc nông dân tự khoan giếng lấy nước lợ pha muối để có độ mặn 2%o và xả thải ra môi trường sẽ làm cho đất bị mặn hóa, nguồn nước nhiễm mặn lan rộng, ảnh hưởng đến nước ngầm, ô nhiễm môi trường, gia tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh.

Theo Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 16-8-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể ngành thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030 thì không quy hoạch phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng ở các vùng nước ngọt như An Giang, Đồng Tháp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang đã khẳng định: Tôm thẻ chân trắng là đối tượng không nằm trong quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh trong thời gian qua, cũng như định hướng sau này. Sở đã có văn bản gửi các huyện, thị xã, thành phố và đề nghị UBND địa phương chỉ đạo các ngành liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn tuyên truyền người dân không phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng dưới mọi hình thức. Đặc biệt, nghiêm cấm việc tự khoan giếng lấy nước có độ mặn thấp pha muối hạt để nuôi tôm thẻ chân trắng.

Tôm thẻ chân trắng (tên khoa học Litopenaeus vannamei là một loài bản địa ở Đông Thái Bình Dương. Trong thiên nhiên, tôm trưởng thành, giao phối, sinh sản ở những vùng biển có độ sâu 70m với nhiệt độ 26-280C, độ mặn khá cao (35%o). Trứng nở ra ấu trùng và sống xung quanh khu vực sâu này. Tới giai đoạn hậu ấu trùng, chúng bơi vào gần bờ và sinh sống ở đáy những vùng cửa sông cạn. Sau vài tháng, tôm con trưởng thành, chúng bơi ngược ra biển và tiếp diễn quá trình sinh trưởng, phát triển.

Bài, ảnh: H. Huynh- M. Hiển Báo An Giang, 16/05/2014