TIN THỦY SẢN

Nuôi tôm theo công nghệ SEMI BIOFLOC - Những điều cần chú ý

Hình minh họa. Nguồn Internet KS. Huỳnh Văn Vũ, Trạm KNKN TP Tuy Hòa

Nuôi tôm theo công nghệ Semi Biofloc phù hợp với điều kiện kết cấu hạ tầng vùng nuôi, trang thiết bị kỹ thuật cơ sở nuôi, trình độ kỹ thuật của người nuôi tôm hiện nay.

Để thực hiện tốt công nghệ này, người nuôi nên chú ý các khâu sau:

1. Thực hiện đúng, đều đặn các bước trong quy trình. Cho tôm ăn đều đặn “Thức ăn + E.M Trùn” ngày 1 đến 2 lần vào bữa ăn chính, liều lượng 20 – 30 ml/kg thức ăn, định kỳ 7 – 10 ngày 1 lần bón E.M Trùn để bảo vệ môi trường ao nuôi, liều lượng 2 – 4 lít/1.000 m3, chạy nguồn duy trì Biofloc phát triển. Các chất độc hại NO2-, NH3, H2S ... sẽ được xử lý triệt để dưới tác dụng kép của vi tảo và hệ thống biofloc làm môi trường trong sạch, các chỉ tiêu: pH, ôxy hòa tan ... luôn nằm trong ngưỡng phù hợp làm tôm khỏe mạnh, khó bị nhiễm bệnh, khó bộc phát bệnh ngay cả trường hợp có mầm bệnh trong mô cơ của tôm nuôi.

2. Nếu chạy nguồn không đầy đủ, cho tôm ăn thừa, đáy ao nuôi tuy không có khí độc NH3, nhưng vẫn có thể có NO2-, tôm có thể bị đen mang ... Trong trường hợp này người nuôi tôm không nên xử lý bằng hóa chất vì nó tàn phá môi trường, càng về sau sẽ càng khó nuôi mà cần chạy nguồn đầy đủ, dùng bổ sung các sản phẩm có thành phần chính: Vi khuẩn cố định đạm Nitrosomonas, vi khuẩn Nitơ hóa Ntitrobacter, liều lượng theo hướng dẫn ghi trên bao bì. Nếu có khí độc H2S: Dùng bổ sung các sản phẩm có thành phần chính: Vi khuẩn quang hợp, liều lượng theo hướng dẫn ghi trên bao bì. Sau đó, lặp lại quy trình sử dụng E.M Trùn, dùng vi khuẩn có lợi trong E.M Trùn ngăn chặn sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh tôm, làm sạch môi trường để nuôi tôm bền vững.

3. Trên bề mặt chai E.M Trùn không nên có lớp men màu trắng, đây là nấm men Saccharomyces cerevisiae, khi nấm Saccharomyces cerevisiae phát triển quá mức thì các vi khuẩn cần thiết giúp tôm ăn mạnh, khỏe, không bị nhiễm bệnh như Bacillus subtilis, Lactobacillus sporogenes … sẽ không phát triển được.

4. Dưới đáy chai E.M Trùn nên có một lớp cụm sinh học (biofloc), đây là các vi khuẩn dị dưỡng sinh sản, phát triển kết dính lại với nhau tạo thành.

5. Trường hợp biofloc giảm, nước có màu nâu đỏ: Bón vôi CaCO3 hàng ngày, 5 – 6 ngày, chạy nguồn, liều lượng 20 kg/1.000 m3.

6. Trường hợp Biofloc nổi bọt: Do vi khuẩn dạng sợi phát triển mạnh. Xử lý Calcium peroxide CaO2, liều lượng 10 kg/1.000 m3, sau đó thay nước 5 – 6 ngày. Sau 6 ngày vẫn còn nổi bọt, bón tiếp Calcium peroxide 10 kg/1.000 m3, lặp lại quy trình.

7. Biofloc quá dày: Loại bỏ bớt biofloc bằng cách thay nước.

8. Biofloc giảm, nước có màu xanh lá cây: Cắt tảo lam hoặc tảo lục.

9. Đối với các vùng nuôi rất khó nâng độ kiềm, nếu độ kiềm giảm, bón hỗn hợp     (Soda + Dolomite), liều lượng: (  kg Soda + 3 kg Dolomite)/1.000 m3 đến ( 4 kg Soda + 6 kg Dolomite)/1.000 m3, bón từ từ cho đến khi độ kiềm tăng, pH tăng phù hợp, tôm cứng vỏ, khỏe mạnh, hoạt động bình thường.

Thực hiện quy trình nuôi tôm theo công nghệ Semi Biofloc phù hợp điều kiện cơ sở hạ tầng, trình độ kỹ thuật của người nuôi tôm hiện nay. Nếu vùng nuôi tôm đồng lòng, người nuôi tôm thực hiện đúng, đều đặn, đầy đủ các yêu cầu của quy trình, thực hiện tốt quy chế quản lý cộng đồng vùng nuôi tập trung, chọn giống sạch, thời tiết thuận lợi thì áp dụng công nghệ này chắc chắn sẽ làm môi trường toàn vùng nuôi trong sạch, giúp phát triển nghề nuôi tôm bền vững, hiệu quả, hiệu quả trên từng ao nuôi, trên toàn vùng nuôi, hiệu quả cho đời này và cho cả đời sau.

KS. Huỳnh Văn Vũ, Trạm KNKN TP Tuy Hòa Trung tâm khuyến nông Phú Yên