TIN THỦY SẢN

Nuôi tôm trái phép vì "siêu lợi nhuận"

Xã Tân Lập là vùng nuôi tôm nước mặn trái phép lớn nhất tỉnh Long An, khoảng 30 ha. Ảnh: Hoàng Nam. Hoàng Nam

Ngành chức năng nhắc nhở, xử phạt, người dân Đồng Tháp Mười vẫn phá lúa, đào ao nuôi tôm nước mặn trái phép do "siêu lợi nhuận".

Tại xã Tân Lập (huyện Mộc Hóa) đang vào vụ lúa hè thu, nhưng nhiều ruộng lúa đã bị người dân dùng máy xúc phá bỏ, đào ao, đồng thời khoan giếng tầng nông 30-40 m lấy nước mặn nuôi tôm. Chỉ riêng tại khu vực xã này đã có 30 ha ao nuôi tôm nước mặn trái phép.

Bà Bùi Thị Liêm, 67 tuổi, có 1,5 ha lúa sát với các ao nuôi tôm cho biết, do lo ngại nước mặn từ các ao tôm rò rỉ sang ruộng nhà chết lúa, từ cuối năm ngoái, bà cùng nhiều người dân đã làm đơn gửi đến chính quyền địa phương nhờ can thiệp.

"Hồi mới ý kiến chỉ có vài ao lẻ tẻ, giờ đã vài chục ao rồi mà chưa thấy ai giải quyết", bà Liêm nói.

Theo chính quyền địa phương, mỗi ha ao tôm chi phí đào ao, trang thiết bị khá cao, khoảng 700 triệu đồng. Tuy nhiên, một ha ao tôm sau ba tháng có thể đạt năng suất 6-7 tấn, giá mỗi kg 120-160 nghìn đồng. Trừ chi phí, bình quân một vụ nông dân lợi nhuận 500-600 triệu đồng và một năm có thể làm được ba vụ.

Do "siêu lợi nhuận" nên gần đây, nhiều doanh nghiệp đã thương lượng thuê hoặc mua lại các diện tích lúa của người dân với giá cao gấp nhiều lần giá thị trường để nuôi tôm. Một số người dân nhận thấy lợi nhuận cao đã cho thuê hoặc bán ruộng, số ít dự định đào liếp trồng hoa màu để hạn chế nguy cơ bị ảnh hưởng như gia đình bà Liêm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An cho biết, diện tích ao nuôi tôm nước mặn trái phép tập trung chủ yếu tại các huyện Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Kiến Tường, Vĩnh Hưng, Tân Hưng, tổng cộng 61ha, 33 hộ dân.

Do nước nuôi tôm phải có độ mặn 4-6 phần nghìn, nên nhiều hộ đã rải thêm muối xuống ao với tỷ lệ 100 kg muối cho 1.000m3 nước. Hiện tại, người dân không làm thủ tục chuyển mục đích sang đất nuôi trồng thủy sản, chưa thực hiện các thủ tục hồ sơ môi trường và xử lý nước thải. Hầu hết hộ dân đào ao nuôi tôm đều có ao lắng và ao chứa bùn thải sau khi đã được xử lý.

"Việc nuôi tôm sử dụng nước ngầm, nước mặn sẽ làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái, gây mặn hóa vùng nuôi, ô nhiễm nước ngầm và lâu dài sẽ ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa và cây trồng khác xung quanh", bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh nói.

Sở cũng nhận định, do cơ sở hạ tầng cho nuôi tôm không phù hợp, chi phí đầu tư trong quá trình nuôi cao, nguy cơ bùng phát dịch bệnh mọi thời điểm và khó kiểm soát dẫn đến rủi ro thiệt hại lớn cho người dân. Do một số hộ nuôi lợi nhuận rất cao, nên có khả năng các hộ dân xung quanh sẽ làm theo, diện tích nuôi trong vùng nước ngọt vì thế sẽ tiếp tục tăng cao.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đang dự định tổ chức hội thảo khoa học để đánh giá lại tác động cụ thể của việc nuôi tôm nước mặn với môi trường, nhằm có hướng xử lý phù hợp.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cũng cho hay, hiện chỉ có UBND huyện Mộc Hóa xử phạt 5 trường hợp đào ao nuôi thủy sản trái phép với tổng số tiền 37,5 triệu đồng, các huyện còn lại chủ yếu tuyên truyền, vận động người dân.

Trước đó, người dân vùng Đồng Tháp Mười ồ ạt bỏ lúa đào ao nuôi cá tra bột với khoảng 3.500 ha ao nuôi, tập trung chủ yếu tại huyện Tân Hưng và Tân Thạnh. Sau đó, giá cá tra "lao dốc", hàng nghìn hộ nuôi lỗ từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, phải phơi ao bỏ không hoặc lấp ao trồng lúa trở lại.

Hoàng Nam VnExpress