Nuôi tôm trên cát ở Hà Tĩnh: Một thời “biến cát thành vàng”
Mô hình nuôi tôm trên cát trong những năm qua đã mang lại lợi nhuận cao, góp phần làm thay đổi bộ mặt vùng bãi ngang Hà Tĩnh. Việc xuất hiện các tỷ phú nuôi tôm đã khiến nhiều người, từ doanh nghiệp xây dựng tới công chức nhà nước... cũng đổ xô đầu tư.
Cát trắng hoang hóa "biến thành vàng"
Năm 2003, Công ty Nuôi trồng thủy sản Việt Mỹ (viết tắt là Công ty Việt Mỹ) do một Việt kiều về đầu tư dự án nuôi tôm sú và tôm thẻ trên cát tại các xã vùng bãi ngang của hai huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) với tổng diện tích 2.000 héc-ta và số vốn đầu tư lên tới 50 triệu USD. Trái với những kỳ vọng ban đầu, dự án nuôi tôm được xem là lớn nhất Đông Nam Á thời điểm đó đã thất bại do nhiều yếu tố.
Từ năm 2010 tới 2015, diện tích nuôi tôm trên cát phát triển mạnh ở Hà Tĩnh
Hai năm sau, bà Nguyễn Thị Hạnh – một đại lý cung cấp thức ăn cho các trang trại nuôi tôm, đã thuê lại 50 hồ/20 héc-ta của đại dự án này ở xã Thạch Trị (Thạch Hà) để nuôi tôm. Sau một vài vụ thành công, có “chút vốn lận lưng”, bà Hạnh quyết định thành lập Công ty TNHH Sao Đại Dương và thuê lại toàn bộ diện tích 100 hồ/115 héc-ta của Công ty Việt Mỹ, đầu tư hàng chục tỷ đồng nuôi tôm trên cát.
Nhờ đầu tư bài bản, có khoa học, công ty của bà Hạnh liên tục trúng lớn các vụ tôm trên cát và người phụ nữ này trở thành “tỷ phú nuôi tôm” đích thực khiến nhiều người ngỡ ngàng. Sao Đại Dương luôn là doanh nghiệp đứng đầu Hà Tĩnh về nuôi tôm trên cát công nghệ cao thời điểm đó.
Bà Hạnh chia sẻ: “Từ năm 2007 tới đầu năm 2016, công ty nuôi tôm thành công, năng suất mỗi vụ thu hoạch đạt từ 15 tấn tôm/héc-ta, tổng doanh thu bình quân đạt từ 35 - 40 tỷ đồng/2 vụ/năm, trừ tất cả chi phí còn lãi ròng từ 10 - 15 tỷ đồng/năm”.
Với 137 km bờ biển, 4 cửa lạch và hệ thống sông ngòi phân bố khá đều tạo nên vùng đất cát hoang hóa ven biển có cấu trúc đất đai, độ mặn thích hợp, Hà Tĩnh là địa phương có tiềm năng, lợi thế lớn trong nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi tôm trên cát. Hoạt động sản xuất nuôi tôm luôn nhận được sự quan tâm của UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cấp chính quyền.
Cùng lúc, một loạt các chính sách khuyến khích phát triển nuôi tôm trên cát được tỉnh ban hành là tiền đề quan trọng cho việc phát triển mạnh mẽ hình thức nuôi này, như Quyết định số 853/QĐ-UBND ngày 27/3/2012 về việc phê duyệt danh mục sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực tỉnh Hà Tĩnh hay Quyết định số 1910/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch nuôi tôm trên cát giai đoạn 2012 – 2020, định hướng tới năm 2030 với diện tích quy hoạch là 980,2 héc-ta dọc theo 137km bờ biển và quy hoạch chi tiết tại 5 xã thuộc 3 huyện: 36,4 héc-ta ở Xuân Liên (Nghi Xuân); 66,9 héc-ta ở Thạch Trị, Thạch Lạc (Thạch Hà); 53,7 héc-ta ở Cẩm Hòa và 43 héc-ta ở Cẩm Dương (Cẩm Xuyên).
Đó cũng là thời điểm mà đi đâu người ta cũng nghe đến chuyện “những hồ tôm bạc tỷ”, những ông vua tôm, “đãi cát lấy vàng”... Vào giai đoạn thịnh vượng nhất, mỗi tấn tôm cho thu về 150 triệu đồng, lợi nhuận đạt 50%. Giá trị thương phẩm cao, không phải lo lắng đầu ra, các địa phương ồ ạt mở rộng diện tích.
Từ diện tích nuôi trên cát năm 2012 đạt 40 héc-ta đã tăng lên 418 ha năm 2017, sản lượng đạt 1.600 tấn. Nhiều tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư lớn vào các dự án nuôi tôm trên cát áp dụng công nghệ nuôi tôm tiên tiến với năng suất đạt từ 12 - 20 tấn/héc-ta/vụ và có thể nuôi từ 2 - 3 vụ/năm (cả vụ đông) đạt doanh thu từ 3 - 5 tỷ đồng/héc-ta/năm.
Diện tích nhanh chóng mở rộng
Thành công của “vua tôm” Nguyễn Thị Hạnh trở thành động lực cho phong trào nuôi tôm trên cát phát triển mạnh mẽ. Suốt dọc các vùng đất cát Thạch Trị, Thạch Hải (huyện Thạch Hà), Cẩm Dương, Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên), Kỳ Xuân (Kỳ Anh), đâu đâu cũng biến thành hồ nuôi tôm. Chưa bao giờ đất ở vùng cát trắng lại đắt đỏ như thế, người ta sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ đồng để có được miếng đất vài ba hec-ta.
Từ năm 2010 – 2015, bất cứ ai ở có tiền cũng có thể nuôi tôm, từ DN xây dựng tới công chức nhà nước hay người dân trồng lúa, trồng lạc. Đất trong quy hoạch, đất hoang hóa, đất đang sản xuất cây nông nghiệp... cũng biến thành hồ tôm.
Có thể điểm tên những công ty “tay ngang” thời đấy sẵn sàng bỏ cả gia tài để lao vào nuôi tôm như: Công ty CP xây lắp Thành Vinh (vùng nuôi xã Thạch Trị); Công ty CP xây dựng Tiến Đạt (xã Thịnh Lộc, Lộc Hà) hay một số cán bộ công chức của sở N…
Theo quy hoạch, xã Cẩm Dương có 43 héc-ta nuôi tôm trên cát, thế nhưng, trong thời điểm “vàng” của phong trào nuôi tôm, Cẩm Dương đã chấp thuận cho người dân “mở” thêm 14 héc-ta ngoài quy hoạch (tổng 57 héc-ta - PV).
Vào thời điểm đó, những hồ tôm trên cát cho thu nhập bạc tỷ...nên chỉ cần có tiền, người người, nhà nhà lao vào nuôi tôm trên cát.
Chủ tịch UBND xã Cẩm Dương Chu Thị Thanh Thủy phân trần: “Do nhu cầu của phát triển kinh tế chủ lực thời điểm đó, cộng với các chính sách của tỉnh quá lớn đối với tôm nuôi trên cát nên kể cả người nuôi và địa phương đều muốn tranh thủ “khai thác” chính sách. Bởi vậy, dù biết ngoài quy hoạch nhưng vì tạo điều kiện cho người nuôi nên xã vẫn chấp thuận".
Hay như ở xã Thạch Trị, tính riêng đoạn bờ biển dài 500m ở thôn Đại Tiến có đến 5 cơ sở nuôi tôm trên cát với diện tích 200 héc-ta, trong khi quy hoạch chi tiết ở cả 2 xã Thạch Trị và Thạch Lạc chỉ… 66,9 héc-ta.
Việc phát sinh hàng loạt diện tích nuôi, thiếu đồng bộ từ hồ nuôi đến hệ thống xả thải sẽ khó lòng đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật về độ sâu, tác động an toàn, mật độ nuôi... dẫn đến những hệ lụy khôn lường về môi trường, nhất là đối với những hồ tôm “lướt ván”.