TIN THỦY SẢN

Nuôi tôm trên cát và những vấn đề đặt ra ở xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh

Ảnh Hồng Thái Dư Khánh

Nhờ sự phát triển của khoa học và công nghệ, phong trào nuôi tôm trên cát hiện đang phát triển khá mạnh tại xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Bên cạnh lợi ích kinh tế xã hội, việc nuôi tôm trên cát, đặc biệt là ở quy mô lớn - vẫn còn tiềm ẩnmột số tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên về mặt lâu dài

Trong các năm 2011 - 2012, một số hộ dân ở xã Vạn Thọ huyện Vạn Ninh đã thành công trong việc thử nghiệm nuôi tôm trên cát, dùng bạt làm vật liệu chống thấm khi xây dựng các ao nuôi. Qua một vài vụ, người nuôi thấy rõ, nuôi tôm trên cát có rất nhiều ưu điểm, cụ thể như tăng được lượng tôm thả trên cùng diện tích, vòng nuôi có thể quay liên tục, việc cải tạo đáy ao tương đối dễ dàng. Tổng lợi nhuận thu được trên mỗi vụ thường đạt một tỉ đồng/ha, cao hơn rất nhiều so với các loại hình nuôi khác. Đến năm 2013, diện tích được đưa vào nuôi tôm chân trắng công nghiệp trên cát tại xã Vạn Thọ đã lên tới 30 ha.

Ông Lê Quang Toàn - Xã Vạn Thọ huyện Vạn Ninh cho biết: "Hiện bây giờ chúng tôi đang thu mua tôm với 47 con/kg, bán giá cho công ty là 213 ngàn/kg. Với mô hình này chúng tôi thấy làm ăn hiệu quả nuôi tôm phát triển tốt".

Thế nhưng bên cạnh bên cạnh những ưu điểm, mô hình này cũng đang có tác động về môi trường. Đánh giá về tác hại của việc nuôi tôm nếu không tuân thủ theo quy trình.

Ông Nguyễn Giang Ngân - Người nuôi thủy sản Cam Ranh chia sẻ: "Là người nuôi tôm chân trắng trên cát, nhưng theo mô hình này mình nuôi mà đầu tư tốt sẽ đạt lợi nhuận cao, bên cạnh đó cũng có tác hại về môi trường nếu không thực hiện đúng quy trình".

Hạn chế về việc xử lý môi trường ở đây là trong quá trình nuôi, các chủ đầu tư chưa xây dựng ao chứa để lắng bùn thải, khiến thức ăn thừa của tôm được cho chảy tràn tự do, gây ô nhiễm cục bộ cho khu vực xung quanh. Hơn nữa, vùng nuôi tôm trên cát nằm ở bãi ngang ven biển, người nuôi đang dùng nước ngầm, nếu việc nuôi tôm tập trung với quy mô lớn và mỗi năm nuôi 2 đến 3 vụ thì ước tính sơ bộ, nhu cầu nước ngầm bị bơm hút lên khoảng từ 5 đến 7 triệu m3/năm. Theo ý kiến của các chuyên gia thủy sản, việc khai thác quá mức nước ngầm cho nuôi tôm trên cát sẽ dẫn đến tình trạng sụt lún địa tầng khu vực.

Ông Huỳnh Kim Khánh - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Khánh Hòa cho biết: "Phải nói rằng việc nuôi tôm theo mô hình này cho năng suất rất cao 50tấn/ha... nhưng họ chỉ đầu tư về công nghệ cho năng suất chứ chưa nghĩ đến môi trường. Để phát triển nghề nuôi tôm cho năng suất cao thì các hộ không nên mở rộng thêm nữa, mà phải dành một số diện tích để làm ao chứa bùn thải trong nuôi, bảo vệ môi trường. Một vấn đề đặt ra khi sử dụng nước ngầm sẽ nhiễm mặn gây nguy hiểm cho Vịnh Vân Phong và Đầm Môn".

Mặc dù hiệu quả kinh tế - xã hội của mô hình nuôi tôm chân trắng công nghiệp trên cát phủ bạt ở Vạn Thọ thời gian qua là không thể phủ nhận nhưng các chủ đầu tư phải làm sao để việc nuôi tôm không để lại những tác hại cho môi trường. Hiện tại ở giai đoạn đầu, với diện tích nuôi còn tương đối nhỏ lẻ, các hậu quả môi trường có thể chưa thực sự đáng kể. Nhưng nếu việc nuôi tôm trên cát diễn ra ở quy mô lớn, trong một thời gian dài mà công tác quy hoạch và quản lý không tốt, sẽ dẫn đến những vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường./.

Dư Khánh Đài PT-TH Khánh Hòa, 07/12/2013