Nuôi tôm… trong nhà
Trong bối cảnh nuôi tôm nước lợ thất bát thì thành công của mô hình nuôi tôm sạch của ông Trần Công Thành đã gợi mở về hướng đi mới đối với nghề này.
Tạo môi trường sống đặc biệt cho tôm
Mới đây, ông Trần Công Thành đưa vào sử dụng khu nuôi tôm trong nhà kính có tổng diện tích 1.000m2 với 4 ao nuôi ở thôn Hòa An (xã Tam Hòa, Núi Thành). Đây là mô hình đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này ở Quảng Nam. Ông Thành cho biết, phương châm là chậm mà chắc nên ban đầu thử nghiệm ương nuôi tôm giống trong nhà kính trước rồi mới bố trí thâm canh nuôi tôm thương phẩm khi đến thời điểm thích hợp. Ông Thành bố trí ương tôm giống trong nhà kính, từ post 10 (1.500 con thì được 1kg tôm giống) cho đến khi tôm lớn bằng chiếc đũa thì bố trí nuôi tôm thương phẩm ở 3 khu vực. Thời gian cho công đoạn này tốn khoảng 20 ngày. “Tôm nuôi, đặc biệt là tôm giống rất nhạy cảm với mọi biến đổi, biến động của môi trường sống. Để tạo điều kiện tốt nhất cho tôm giống phát triển, tôi đầu tư 1 tỷ đồng để xây hẳn khu nuôi tôm trong nhà kính, tách biệt hoàn toàn với bên ngoài. Ở khu nuôi tôm trong nhà kính, chỉ có tôi và đội ngũ kỹ thuật nuôi tôm mới được vào. Vì cô lập với không gian bên ngoài nên tránh được mầm bệnh” - ông Thành mô tả về khu nuôi tôm của mình.
Sau 2 tháng triển khai ương tôm giống trong nhà kính, tôm phát triển rất tốt khi được thả trong ao nuôi thương phẩm. “Khi tôm giống có hình thể bằng chiếc đũa thì đã định hình quá trình sinh trưởng rất vững chắc rồi. Để có được điều đó thì ương nuôi trong nhà kính bắt buộc phải theo quy trình chặt chẽ, trong đó phải quản lý mọi điều kiện nguồn nước” - ông Thành cho biết. Ưu điểm nổi bật của hệ thống ương nuôi tôm giống trong nhà kính tại cơ sở của ông Thành là người nuôi chủ động trong mọi phương án nuôi tôm. Theo ông Thành, có thể tạo riêng một tiểu vùng khí hậu hoặc một tiểu vùng sinh học phù hợp nhất cho quá trình phát triển của tôm nuôi. Ông dự kiến sẽ nuôi tôm thương phẩm trong nhà kính trong thời gian ngắn tới, và sẽ mở rộng lên đến 10ha.
Nuôi tôm an toàn
Ông Trần Công Thành là không sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi tôm. “Hầu như bất kỳ ai nuôi tôm cũng đều phải sử dụng kháng sinh và hóa chất. Sinh vật khi bị bệnh đều phải dùng kháng sinh để vượt qua giai đoạn hiểm nghèo, tôm nuôi cũng vậy. Muốn tránh điều đó chỉ có cách duy nhất là đảm bảo cho chúng khỏe, không phát sinh tình huống xấu” - ông Thành nói. Để làm được điều đó, sau khi đảm bảo tôm giống sinh trưởng tốt nhất trong nhà kính, ở quá trình nuôi tôm thương phẩm, ông Thành bố trí hẳn 3 khu vực nuôi tôm với mỗi khu có tổng cộng 9 ao, trong đó ông dùng 1 ao để xử lý chất thải, 3 ao để chứa lắng, xử lý nguồn nước, 5 ao còn lại dùng để thâm canh nuôi tôm thương phẩm. Nguồn nước được xử lý qua 3 giai đoạn ở mỗi ao. Trước hết là dung hòa nước biển và nước ngầm, đảm bảo độ mặn cho vào ao rồi xử lý bước 1 bằng thuốc tím, sau đó xử lý bằng chất loãng và hữu cơ. Nghỉ vài ngày, ông Thành cho nguồn nước đó vào ao thứ 2, xử lý bước 2 bằng chlorin với liều lượng 10 - 20 ppm diệt tất cả loài động vật địch hại tôm nuôi. Sau quá trình tạm nghỉ, nguồn nước này được đưa vào ao thứ 3 để xử lý, cuối cùng bằng chế phẩm sinh học, men vi sinh. Sau khi xử lý nguồn nước sạch, ông Thành thả tôm nuôi thương phẩm với mật độ từ 200 con/m2. Nuôi tôm sạch giúp cho ông Thành nâng năng suất lên đến 40 tấn/ha.
Theo ông Trần Công Thành, trong quá trình nuôi tôm, thường xuyên sử dụng men vi sinh CP Zymetim, Supe VS để trộn vào thức ăn, kích thích quá trình tiêu hóa, hấp thụ dinh dưỡng cho tôm nuôi. Trong xử lý nguồn nước, sử dụng men vi sinh CP Bio Plus, SupeVS để ổn định môi trường nước ao nuôi tôm. Men vi sinh BioWish 3PS và chế phẩm sinh học BioWish AquaFarm cũng có thể được trộn vào thức ăn với liều lượng vừa đủ để thúc đẩy quá trình sinh trưởng của tôm nuôi. Chi phí thức ăn giảm, cụ thể hệ số thức ăn giảm dưới 1.1 trong khi nuôi tôm thông thường có hệ số thức ăn lên đến 1.5. Trong quá trình nuôi, chất hữu cơ trong nước và chất thải ở đáy ao nuôi được phân hủy tốt. Hệ vi sinh vật có lợi được bổ sung và tăng dinh dưỡng trong môi trường ao nuôi giúp tôm tăng khả năng kháng bệnh và tiêu hóa thức ăn tốt hơn.
Để có điều kiện phát triển vùng nuôi tôm sạch, việc điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được xem là kim chỉ nam để triển khai, bởi hàng loạt giải pháp và cơ chế đang được ngành thủy sản tham mưu UBND tỉnh xây dựng và ban hành. Theo Sở NN&PTNT, điều cốt lõi nhất là xây dựng vùng nuôi thủy sản tập trung để nuôi tôm sạch. Vấn đề là rất khó để áp dụng điều này bởi quỹ đất của các hộ nuôi tôm rất phân tán mà nuôi tôm sạch thì bắt buộc phải tập trung thành quỹ đất rộng lớn, không chỉ nuôi tôm thương phẩm mà còn dành diện tích đất để xử lý chất thải và nhiều công đoạn xử lý nước ao nuôi. Chưa nói đến quy trình nuôi thế nào và cách thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ của nông hộ ra sao thì ngay vấn đề đầu tiên là quỹ đất đã rất khó thực hiện.