TIN THỦY SẢN

Nuôi trồng thủy sản năm 2013: Xây dựng và áp dụng phương pháp an toàn

Người nuôi trồng thủy sản luôn lo sợ dịch bệnh. Ảnh: Huy Hùng Ngọc Quỳnh

Trong những năm qua, người nuôi trồng thủy sản (NTTS) đứng ngồi không yên vì dịch bệnh khiến cá, tôm chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn, trong khi đó giá bán lại giảm liên tục. Hiện người NTTS trong cả nước đang bước vào vụ nuôi tôm, cá mới nhưng rất nhiều hộ lo lắng trước tình hình nguồn nước bị ô nhiễm...

Ám ảnh dịch bệnh

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), trong những năm qua, các cơ quan quản lý thú y thủy sản đã có nhiều cố gắng cùng các địa phương tập trung huy động nguồn lực phòng chống dịch bệnh thủy sản, nhưng tình hình vẫn diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là dịch bệnh trên tôm. Dịch bệnh đốm trắng, hoại tử gan đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người nuôi tôm. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thủy sản, năm 2012, dịch bệnh xuất hiện ở 19 tỉnh 3 miền Bắc, Trung, Nam với diện tích thiệt hại lên tới 6.147,34ha, nhưng mạnh nhất là Đồng bằng sông Cửu Long. Trà Vinh bị thiệt hại lớn nhất với 10.550ha nuôi trồng nhiễm bệnh (chiếm 36,5%).

Không chỉ cá, tôm nước lợ, mặn mà với cá nước ngọt, cũng xảy ra dịch bệnh khiến nhiều hộ lo lắng khi bước vào vụ nuôi mới. Tại Hà Nội, các hộ NTTS đang hối hả chuẩn bị con giống cho vụ nuôi mới, tuy nhiên do nguồn nước ngày càng ô nhiễm nên nhiều hộ đang cân nhắc việc nuôi nhiều hay ít. Anh Nguyễn Văn Thanh, hộ nuôi cá ở huyện Thanh Oai cho biết, do nguồn nước ô nhiễm nên sản lượng cá năm 2012 bị giảm 30% so với năm 2011. Hiện gia đình đã mua 1 tạ con giống về nuôi nhưng vẫn băn khoăn vì thời tiết diễn biến bất thường, trong khi đó nguồn nước vẫn chưa được cải thiện. Để chuẩn bị cho vụ nuôi mới, khi đánh bắt xong gia đình đã nạo vét, rắc vôi bột và phơi khô ao nhưng vẫn lo. Cùng chung nỗi lo này, anh Hoàng Văn Dũng, hộ nuôi cá ở huyện Thanh Trì cho biết: Trong mấy năm gần đây, mỗi năm ao cá của anh thiệt hại 25-30 triệu đồng. Hiện trang trại đang dọn ao chuẩn bị vào vụ nuôi cá mới, nhưng nếu như mọi năm anh thường thả khoảng 20 triệu đồng tiền cá giống thì năm nay chỉ thả khoảng 10 triệu đồng cá giống.

Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) Nguyễn Huy Điền cho biết, việc các hộ nuôi cá, tôm trong cả nước thời gian qua lao đao vì dịch bệnh là do nuôi chưa bảo đảm an toàn sinh học, hoặc nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Mới đây, Tổng cục Thủy sản đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đi lấy mẫu xét nghiệm chất lượng các loại chế phẩm sinh học, phát hiện tới 60% số mẫu kém chất lượng. Điều này đương nhiên sẽ ảnh hưởng lớn tới việc NTTS của người dân.

Tăng cường kiểm soát con giống và dịch bệnh

Để chuẩn bị cho vụ nuôi thủy sản an toàn dịch bệnh, theo Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Trần Đình Luân, các đơn vị của ngành nông nghiệp cần tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở sản xuất giống thủy sản, bảo đảm thủy sản bố mẹ phải đạt chất lượng, không mang mầm bệnh; tuyên truyền hướng dẫn người nuôi các biện pháp lựa chọn con giống tốt, có nguồn gốc từ các trại giống uy tín, bảo đảm chất lượng; nhận biết các dấu hiệu lâm sàng của các bệnh thường gặp, thông báo ngay cho cơ quan chức năng khi phát hiện thủy sản có bệnh hay nghi ngờ có bệnh. Bên cạnh đó, tăng cường thu mẫu giám sát dịch bệnh, môi trường vào các thời điểm nhạy cảm (đầu vụ sản xuất giống, đầu vụ nuôi, trước thời điểm hay xảy ra dịch bệnh...).

Các địa phương phải xây dựng cơ chế phối hợp trong việc cung ứng giống thủy sản tại chỗ để bảo đảm kiểm soát dịch chặt chẽ; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm về công tác kiểm dịch; các lô giống nhập về địa phương cần nuôi dưỡng riêng để tiện theo dõi, giám sát trước khi thả chung trong ao, đầm nuôi để hạn chế sự xuất hiện của dịch bệnh.

Việc quan trọng trước mắt để hạn chế sự xuất hiện của dịch bệnh trong vụ nuôi mới năm 2013 là các ngành cũng như chính quyền địa phương cần tuyên truyền vận động người nuôi áp dụng phương pháp nuôi an toàn dịch bệnh, xây dựng theo chuỗi từ sản xuất tới tiêu dùng, ghi chép sổ nhật ký từ việc mua con giống, cho ăn đến sử dụng thuốc thú y… để kiểm soát nguồn gốc sản phẩm.

Ngọc Quỳnh Hà Nội Mới