TIN THỦY SẢN

Nuôi trồng thủy sản ở Lý Sơn: Kẻ cười, người khóc

Bè nuôi thủy sản tại huyện đảo Lý Sơn. Thanh Nhị

Một mùa nuôi trồng thủy sản lắm rủi ro sắp kết thúc. Cùng một vùng thả nuôi nhưng người trúng, kẻ thất bại. Có người vẫn đang ngày ngày ngồi trông ngóng cá, tôm không chết nữa để vớt vát phần tiền vốn bỏ ra... Đó là thực trạng nuôi trồng thủy sản ở Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Cá bớp thắng lớn

Vụ cá bớp thử nghiệm vừa thu hoạch đã tạo niềm tin cho nhiều người nuôi thủy sản ở Lý Sơn. Anh Lê Minh Hà ở thôn Tây, xã An Vĩnh là người nuôi loại cá này đầu tiên ở đảo. Sau 10 tháng thả nuôi, 1.100 con cá bớp giống ban đầu đã cho gia đình anh thu lãi ròng 500 triệu đồng. Anh Hà cho biết, sau khi tìm hiểu, học hỏi quy trình nuôi cá bớp ở một số địa phương có điều kiện môi trường gần giống đảo Lý Sơn, gia đình đã thả nuôi 1.100 con giống. Sau 10 tháng nuôi, cá cho thu hoạch. Giá bán khoảng 1.000.000 đồng/con, trừ chi phí, còn lãi 500.000 đồng/con.

Sau khi thu hoạch, anh Hà quyết định sẽ tiếp tục thả nuôi 1.100 con cá bớp nữa. Thức ăn chủ yếu là phụ phẩm từ cá biển được anh chọn mua, bảo quản đúng quy trình, nhằm giảm tối đa nguy cơ ngộ độc thức ăn cho cá. Cá bớp có thời gian sinh trưởng chỉ khoảng 10 - 12 tháng là cho thu hoạch. Nhu cầu tiêu dùng cá bớp trên thị trường khá ổn định, vì thế việc tiêu thụ cũng dễ dàng. Cá đến kỳ thu hoạch, chỉ trong vòng vài ngày là bán hết. "Thật tình, ở đảo này phát triển kinh tế trên bờ rất khó. Thu nửa tỷ trong vòng 10 tháng, bình quân mỗi tháng thu 50 triệu đồng là một nguồn thu quá lớn đối với người dân ở đảo" - anh Lê Minh Hà cho biết.

Tôm hùm lao đao

Hiện nay, trên đảo Lý Sơn có hơn 60 hộ nuôi trồng thủy sản, trong đó chủ yếu là nuôi tôm hùm, cá mú. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản toàn huyện khoảng 20ha, với trên 100 ngàn con giống được thả nuôi, giá trị thu về khoảng 15 tỷ đồng mỗi năm. Sau nhiều năm nuôi tự phát, năm 2015, huyện đảo đã tổ chức quy hoạch vùng nuôi, tạo điều kiện cho người dân tận dụng diện tích mặt nước khu vực gần đảo nuôi thủy sản, phát triển kinh tế. Những năm đầu thả nuôi, kết quả đạt khá cao, nhiều hộ dân thu lãi từ tôm hùm đến cả tỷ đồng mỗi vụ. Tuy nhiên, những năm tiếp theo, tình trạng tôm bị chết không rõ nguyên nhân khiến nhiều người thua lỗ, thậm chí trắng tay, nợ nần.

Ông Nguyễn Văn Tâm ở thôn Đông, xã An Hải thả nuôi 1.000 con tôm hùm giống. Khi nuôi khoảng một năm, tự nhiên tôm cứ chết dần. Mỗi ngày chết 5 - 7 con, khiến gia đình ông như ngồi trên đống lửa. "Tôm hùm bán đúng giá 1,6 - 1,8 triệu đồng/kg, nhưng tôm chết bán chỉ khoảng vài trăm ngàn 1kg. Thậm chí không có người mua, đành vớt về nhà làm thức ăn hàng ngày. Giờ thì không còn nhiều hy vọng về thu được vốn nữa rồi" - anh Tâm than thở. Gia đình ông Lê Khuân thôn Tây, xã An Vĩnh thả nuôi hơn 1.000 con. Tôm nuôi được 7 - 8 tháng bắt đầu chết dần. Ngày ít thì khoảng 10 con; ngày nhiều chết tới 15 - 20 con. "Tôm nhỏ quá bán chẳng ai mua, đành bấm bụng kéo dài thêm một thời gian nữa xem có cứu vãn được chút ít gì không" - ông Lê Khuân cho biết.

Phát triển bền vững

Các hộ nuôi tôm hùm ở Lý Sơn cho biết, tôm hùm nếu nuôi giỏi thì khoảng 15 tháng cho thu hoạch. Nếu gặp thời tiết không thuận lợi thì phải 20 tháng tôm mới đủ trọng lượng xuất bán. Thời gian nuôi quá dài, tiềm ẩn rủi ro bệnh tật, thiên tai rất lớn. Có thể một vụ tôm hùm phải chịu đựng tới 2 mùa mưa, với 3 - 7 cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Nuôi tôm hùm vốn lớn, nếu gặp rủi ro thì mất tiền tỷ.

Với vùng đất thiên tai khắc nghiệt, bão giông quanh năm như Lý Sơn, việc nuôi tôm hùm với thời gian quá dài sẽ dẫn đến rủi ro khó tránh khỏi. Theo ý kiến của ngành chức năng, ở vùng đảo Lý Sơn, việc nuôi tôm hùm cần phải cân nhắc. Nếu cá mú, cá bớp thích hợp thì nên chọn nuôi cá, để giảm bớt rủi ro. Cái khó hiện nay là tình trạng nuôi ồ ạt, không tuân thủ quy trình kỹ thuật và chưa thực hiện nghiêm các giải pháp bảo vệ môi trường của các hộ nuôi.

Bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: "Nuôi trồng thủy sản cũng mới bắt đầu. Lĩnh vực này muốn phát triển bền vững cần phải nghiên cứu xây dựng một giải pháp khoa học, phù hợp nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo đầu ra ổn định".

Thanh Nhị Báo Quảng Ngãi, 12/01/2016