TIN THỦY SẢN

Nuôi trồng thủy sản phát triển ở làng chài Thắng Lợi

Anh Nguyễn Văn Thanh, thôn Quyết Thắng, xã Thắng Lợi kiểm tra ngao giá nuôi. Hiểu Trân

Những năm gần đây, ngoài khai thác thuỷ sản xa bờ, với lợi thế diện tích mặt nước cùng nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên và các vùng nuôi trồng thuỷ sản đã tạo nên tiềm năng lớn cho sự phát triển thuỷ sản của xã Thắng Lợi.

Những tháng đầu năm nay, dù điều kiện thời tiết không thuận lợi và còn khó khăn về đầu tư vốn nuôi trồng thuỷ sản, nhưng tổng sản lượng thuỷ sản của xã vẫn đạt trên 600 tấn, trong đó khai thác đạt trên 500 tấn, nuôi trồng đạt 100 tấn. Bên cạnh nghề đánh bắt thuỷ sản tự nhiên, nhiều ngư dân đã đầu tư lồng bè nuôi trồng thuỷ sản. Đến thời điểm này, cả xã khoảng 100 hộ với 84 bè nuôi trồng thủy sản. Trước đây, Thắng Lợi phát triển rất mạnh nghề nuôi tu hài, nhiều hộ ngư dân đã giàu lên nhờ nuôi loài nhuyễn thể này. Tuy nhiên, sau đợt dịch vào năm 2012 đã dẫn đến tình trạng tu hài bị chết hàng loạt. Từ đó, nhiều hộ đã chuyển sang nuôi loài thuỷ sản khác như cá song, cá mú, cá vược… và đặc biệt là con ngao giá. Đây là giống ngao sinh trưởng nhanh, trọng lượng lớn, có khả năng kháng bệnh tốt và được thị trường ưa chuộng. Giá bán tại các hộ nuôi từ 70.000-100.000 đồng/kg.

Anh Nguyễn Văn Thanh, thôn Quyết Thắng, xã Thắng Lợi một trong những hộ đầu tiên của xã đầu tư nuôi ngao giá, cho biết: Trước đây, gia đình anh từng nuôi tu hài, nhưng đợt dịch bệnh năm 2012 đã làm thiệt hại đến 90%. Sau thời gian tìm hiểu và nghiên cứu, anh quyết định chuyển sang nuôi ngao giá. Thời gian nuôi ngao giá chỉ bằng hơn nửa so với nuôi tu hài từ 12-13 tháng là cho thu hoạch (trong khi nuôi tu hài từ 18 đến 24 tháng), bình quân đạt 70-80 gam/con, nhiều lồng nuôi có những con đạt hơn 100 gam. Đặc biệt, giống ngao này rất dễ nuôi và đầu tư chi phí thấp do không tốn công chăm sóc, chi phí lồng nuôi, giống, cát rẻ.Có thể tận dụng cát, vật tư từ việc nuôi tu hài trước đây và có thể thả nuôi với mật độ dày từ 130-150 con/lồng. Tỷ lệ sống của ngao giá khá cao, đạt từ 94 đến 97%.

Đặc biệt, trên cùng diện tích, giá đầu tư nuôi chỉ bằng 70 đến 80% so với nuôi tu hài và giá trị dinh dưỡng của ngao giá không kém tu hài nhiều. Vụ nuôi năm 2018, tổng doanh thu từ nuôi thủy sản các loại (hàu, tu hài, ngao) của gia đình anh đạt trên 2 tỷ đồng. Năm 2019, ngoài nuôi ngao giá anh Thanh đưa thêm con thưng vào nuôi, đây là một loại thủy sản có giá trị tương đối cao 70.000 đồng/kg. Dự kiến đến tháng 9 năm nay sẽ cho thu hoạch. Không chỉ hộ gia đình anh Thanh mà nhiều hộ khác như anh: Đinh Văn Hải, Lã Văn Tề, Nguyễn Văn Tài... cũng có thu nhập cao từ nuôi trồng thuỷ sản, vươn lên làm giàu chính đáng.

Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Trên cơ sở, tiềm năng lợi thế về thuỷ sản định hướng thời gian tới xã sẽ quy hoạch từng khâu, từng hạng mục trong xây dựng cơ sở hạ tầng nghề khai thác và nuôi trồng để thúc đẩy phát triển, hạn chế dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm. Hiện nay, do nguồn lợi thủy sản ngày một ít đi, xã đang khuyến khích người dân chuyển đổi từ khai thác kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản; tạo điều kiện để hình thành các cơ sở và vùng nuôi trồng sản xuất tập trung. Một vấn đề nữa hiện nay, ngao giá chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc qua các kênh tiểu ngạch. Thị trường này rất bấp bênh. Đối với thị trường nội địa, ngao giá chưa được giới thiệu ở nhiều tỉnh, thành, mới chủ yếu phục vụ khách du lịch. Chính vì thế, chúng tôi mong muốn ngành Nông nghiệp có những giải pháp để giải quyết bài toán đầu ra, qua đó phát huy thế mạnh thuỷ sản theo hướng bền vững.

Hiểu Trân Báo Quảng Ninh