TIN THỦY SẢN

Nuôi trồng thủy sản tại Hà Nội: Hạ tầng yếu, hiệu quả thấp

Thu hoạch cá ở Duyên Hà (Thanh Trì). Ảnh: Bảo Lâm Quỳnh Dung

Trong bối cảnh người chăn nuôi gia súc, gia cầm lao đao vì giá giảm, các hộ nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở ngoại thành Hà Nội vẫn bám trụ được với nghề nhưng cũng chỉ lấy công làm lãi... Làm thế nào để đưa nghề NTTS phát triển ổn định, bền vững và có thể xuất khẩu trong tương lai đang là bài toán khó cho TP Hà Nội.

Năng suất thấp

Huyện Chương Mỹ là một trong những vùng NTTS lớn của thành phố Hà Nội, tập trung ở các xã Tân Tiến, Thanh Bình, Trường Yên, Nam Phương Tiến... Tuy nhiên, Phó phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Hoàng Văn Thám cho rằng, việc nuôi thủy sản ở đây vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún nên hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng. Cơ sở hạ tầng cho các khu NTTS hầu như chưa được đầu tư gây khó khăn cho việc phát triển, mở rộng diện tích. Chẳng hạn như khu vực xã Nam Phương Tiến, sau khi có chủ trương dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi khu trũng cấy lúa kém hiệu quả sang NTTS nhưng do bờ vùng, bờ thửa chỉ đắp bằng đất, hệ thống điện không có nên nhiều hộ dân muốn mở rộng quy mô chăn nuôi cũng chấp nhận bó tay vì sợ thua lỗ. Do đó, năng suất cá bình quân trên địa bàn huyện chỉ đạt 5 tấn/ha. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, huyện đã quy hoạch, xây dựng các dự án NTTS tập trung, trong đó Nhà nước hỗ trợ đầu tư về cơ sở hạ tầng nhưng đến nay các dự án gần như "nằm trên giấy". Đơn cử như dự án ở xã Thanh Bình kết hợp với chăn nuôi trên diện tích 84ha đã được phê duyệt nhưng không có vốn nên vẫn chưa đầu tư. Dự án NTTS ở các xã Nam Phương Tiến - Hoàng Văn Thụ - Tân Tiến với diện tích 120ha và dự án NTTS ở Trung Hòa đã làm xong thủ tục đầu tư nhưng đến nay không thực hiện được vì chưa có vốn. 

Cùng chung quan điểm này, Phó Chủ tịch UBND xã Phụng Châu Nguyễn Chí Thuần cho biết, thời gian đầu, NTTS trên địa bàn xã có hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa, nhưng đến nay một số hộ nuôi bị lỗ vì chi phí đầu tư quá lớn do chuyển từ ruộng sang ao để nuôi cá. Thực tế, diện tích mặt nước khu NTTS rộng nhưng không sâu nên mất nhiều công đào đắp vì vậy xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực nuôi trồng trung bình phải mất đến 1-2 tỷ đồng/ha nên việc đầu tư rất khó khăn do người dân thiếu vốn. Ngoài ra, thời gian đấu thầu để thả cá ngắn, chỉ khoảng 5 năm nên người dân không yên tâm để đầu tư cơ sở hạ tầng. Không những thế, kinh nghiệm trong NTTS của đa số các hộ dân còn rất hạn chế nên mới chỉ tập trung vào nuôi cá truyền thống như trắm, chép, rô, trôi, mè... cho hiệu quả kinh tế không cao, năng suất trung bình của xã chỉ đạt 2 tấn/ha.

Đầu tư đồng bộ

Các hộ NTTS đều cho rằng, Nhà nước nên có những chính sách hỗ trợ hợp lý cho các vùng NTTS của Hà Nội về hạ tầng kỹ thuật như đắp bờ, làm đường ra, vào ở những nơi nuôi thả tập trung theo quy hoạch. Nên có chính sách cho các hộ thuê đất trong thời gian dài để yên tâm đầu tư. 

Ông Nguyễn Xuân Năm ở xã Phụng Châu (Chương Mỹ) cho biết, hiện người NTTS đều đang gặp khó khăn về vốn vì đầu tư để xây dựng một trang trại quá lớn. Vì vậy, Nhà nước nên tạo điều kiện cho các hộ dân tiếp cận với nguồn vay ưu đãi từ các chương trình phát triển nông nghiệp để duy trì sản xuất. Ngoài ra, hằng năm cần mở các lớp tập huấn về nâng cao kiến thức trong NTTS để người dân nắm bắt những tiến bộ khoa học, kỹ thuật áp dụng vào quá trình nuôi trồng để đạt hiệu quả cao nhất. 

Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Hoàng Tiến Minh khuyến cáo, để nâng cao năng suất và sản lượng nuôi trồng, các hộ nuôi cần theo dõi chặt chẽ việc xử lý nước thải tại các ao nuôi. Ngoài ra, cần tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho vùng nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, bảo đảm các điều kiện nuôi thâm canh, an toàn dịch bệnh. Các địa phương cần hướng dẫn người nuôi thực hiện quy trình nuôi tốt, thí điểm triển khai các mô hình NTTS theo chương trình VietGap để nâng cao năng suất và kiểm soát được dịch bệnh.

Theo Chi cục Thủy sản Hà Nội, đến nay, diện tích nuôi thủy sản của thành phố đạt 71,3% kế hoạch, tăng 1,5% so cùng kỳ năm 2012. Sản lượng thủy sản nuôi đạt 32.475 tấn, tăng 7,3%... Tuy nhiên, ngành NTTS của Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế. Mặc dù tiềm năng rất lớn với trên 30.000ha có khả năng NTTS nhưng hiện nay mới chỉ nuôi thả được gần 15.000ha. Trong đó, người dân chủ yếu nuôi bằng hình thức quảng canh, nuôi theo kinh nghiệm là chính nên năng suất bình quân thấp, chỉ đạt khoảng 3-5 tấn/ha/năm.

Quỳnh Dung Báo Hà Nội mới