TIN THỦY SẢN

Nuôi trồng thủy sản tại Hà Nội: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Nguồn nước nuôi trồng thủy sản tại xã Liên Châu, huyện Thanh Oai đang bị ô nhiễm. Ảnh: Quang Thiện Thiên Tú

Mặc dù có lợi thế về diện tích mặt nước và thị trường tiêu thụ nhưng hiện nay, hiệu quả nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn Hà Nội vẫn tương đối thấp do chất lượng nguồn nước suy giảm, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, hạ tầng thiếu và yếu...

Lo chất lượng nguồn nước

Xã Liên Châu là một trong những vùng NTTS trọng điểm của huyện Thanh Oai. Đến nay, diện tích chuyển đổi từ ruộng trũng sang các mô hình đa canh (chủ yếu là lúa - cá - vịt) đạt 110ha, cho thu nhập cao gấp 3 lần so với cấy lúa, trong đó nhiều loại thủy sản cho giá trị cao như ba ba, chạch đồng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Quang Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Liên Châu, nguồn nước NTTS lấy chủ yếu từ sông Nhuệ đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, không đảm bảo cho sản xuất, nên năng suất nuôi thủy sản còn thấp, nuôi theo hướng quảng canh chỉ đạt trung bình từ 3,8 - 4 tấn cá/ha/năm.

Nhiều địa phương NTTS khác trên địa bàn TP như Ứng Hòa, Ba Vì, Chương Mỹ, Quốc Oai... cũng đang gặp những khó khăn tương tự. Theo Chi cục Thủy sản Hà Nội, hiện nay, nguồn nước cấp sử dụng cho NTTS trên địa bàn TP chủ yếu được lấy từ sông Hồng, Tích, Bùi, Đáy, Đà và các hồ chứa lớn. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, đặc biệt là quá trình đô thị hóa, nước thải sinh hoạt, các chất thải, nước thải từ các nhà máy, bệnh viện đổ ra các con sông khiến nguồn nước này bị ô nhiễm, nhất là sông Đáy, Nhuệ, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả sản xuất của các vùng NTTS.

Năm 2013, Chi cục Thủy sản Hà Nội đã tiến hành thu 300 mẫu nước tại nguồn cấp cho các vùng NTTS tập trung thuộc các huyện Mê Linh, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thanh Oai và Mỹ Đức để phân tích các chỉ tiêu: Chì (Pb), thủy ngân (Hg), nitrit (NO2), COD và amoni. Kết quả cho thấy, hầu hết chất lượng nguồn nước cấp cho các vùng nuôi tại thời điểm lấy mẫu đều nằm trong giới hạn cho phép. Song, hàm lượng thủy ngân tại nguồn cấp nước cho một số nơi ở huyện Thanh Oai và Ứng Hòa vượt quá giới hạn cho phép.

Quản lý dịch bệnh kém

Ngoài những khó khăn về nguồn nước, hiện nay ngành NTTS Hà Nội còn đang phải đối mặt với nhiều bất cập, tồn tại chưa được tháo gỡ. Ông Hoàng Tiến Minh - Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội cho biết, trên địa bàn TP hiện đã có một số công ty, đại lý cung ứng thuốc phòng, trị bệnh trong NTTS, song số hộ nuôi thâm canh thủy sản còn ít nên việc sử dụng thuốc thú y thủy sản chưa nhiều. Trong khi đó, công tác cảnh báo môi trường dịch bệnh mới chỉ được thực hiện trên quy mô và diện tích nhỏ. Bên cạnh đó, ý thức phòng chống dịch bệnh của người nuôi còn hạn chế. Đáng chú ý là nhiều huyện, thị xã chưa có bộ máy quản lý thú y thủy sản thống nhất nên tình hình dịch bệnh trên thủy sản vẫn còn tái diễn, gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Hà Nội, trong 3 năm trở lại đây, tình hình dịch bệnh trên thủy sản có giảm nhưng chưa xử lý dứt điểm được. Cụ thể, năm 2012, toàn TP có 619,6ha thủy sản bị bệnh, gây thiệt hại 280,93 tấn cá các loại. Năm 2013 diện tích thủy sản bị bệnh chỉ còn 68,5ha, sản lượng thiệt hại là 28,42 tấn tại các huyện Thanh Oai, Phú Xuyên, Thanh Trì, Chương Mỹ... Trong quý I/2014, diện tích thủy sản bị bệnh chỉ khoảng 2,5ha, thiệt hại 11,5 tấn. Cần phải nói thêm rằng, hiện nay, Chi cục Thủy sản Hà Nội mới chỉ có 5 trạm thủy sản, mỗi trạm có 1 - 2 cán bộ chuyên môn chịu trách nhiệm quản lý 4 - 5 quận, huyện. Vì vậy, công tác thông tin và liên hệ trực tiếp với các hộ NTTS để xử lý khi có dịch xảy ra gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, hạ tầng cơ sở ở một số vùng NTTS còn thiếu đồng bộ, quy mô sản xuất con giống thủy sản nhỏ lẻ... cũng gây khó khăn không nhỏ cho sản xuất.

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản của toàn TP là trên 210.000 tấn/năm, trong đó, sản xuất mới đáp ứng được hơn 78.600 tấn (khoảng 37,4%). Do đó, để khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế NTTS trên địa bàn, TP, Sở NN&PTNT cần sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong NTTS tại các địa phương. Trong đó, cần quan tâm đẩy nhanh các dự án cải tạo nguồn nước, hoàn thiện hệ thống hạ tầng và nâng cao năng lực cho đội ngũ thú y thủy sản cơ sở...

Diện tích mặt nước có tiềm năng NTTS của Hà Nội là 30.840ha. Trong đó, ao hồ nhỏ là 6.706ha, hồ chứa mặt nước lớn là 4.327ha, ruộng trũng là 19.807ha. Năm 2013, tổng diện tích mặt nước đưa vào NTTS là 20.838ha, đạt 66,6% diện tích.

Thiên Tú Kinh Tế Đô Thị, 05/06/2014