Nuôi xen tôm - cua - cá chi phí thấp, giảm rủi ro
Dù lợi nhuận không cao bằng nuôi thâm canh, nhưng mô hình nuôi xen tôm, cua, cá trong rừng ngập mặn có chi phí thấp, giảm được rủi ro và có tính bền vững.
Chi phí thấp, giảm rủi ro
Trong năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã triển khai 2 mô hình nuôi thủy sản tổng hợp tôm - cua - cá, xây dựng 2 điểm trình diễn. Kết quả của các mô hình cho thấy hiệu quả khả quan. Những hộ tham gia mô hình đạt thu nhập 150 - 180 triệu đồng/ha.
Nuôi tôm xen cua, cá có chi phí đầu tư ban đầu thấp, tận dụng được không gian của hệ sinh thái cây rừng ngập mặn, do vậy người nuôi giảm được chi phí cải tạo ao hồ. Từ kết quả đạt được, Trung tâm Khuyến nông Bình Định sẽ nhân rộng mô hình trong thời gian tới.
Hiện nay, mô hình nuôi thủy sản tổng hợp tôm - cua - cá đã thu hút ngư dân ở những vùng nuôi tôm nước lợ, đang được nhiều người có nhu cầu tiếp cận để chuyển đổi. Do vậy, trong năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Bình Định tiếp tục triển khai 3 mô hình nuôi trồng thủy sản, trong đó có mô hình nuôi tổng hợp tôm - cua - cá ở các vùng nuôi thủy sản nước lợ, đồng thời xây dựng các điểm trình diễn giúp công tác chuyển giao kỹ thuật cho ngư dân hiệu quả hơn.
Tham gia mô hình nuôi thủy sản tổng hợp tôm - cua - cá trong ao sinh thái cây ngập mặn, ngư dân được hỗ trợ 50% chi phí con giống, vật tư thiết yếu; được hướng dẫn kỹ thuật, cách phòng ngừa dịch bệnh…
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Bình Định, đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, người dân ngày càng quan tâm tới mô hình nuôi thủy sản tổng hợp, nuôi xen ghép ở các vùng nước lợ; nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng thương phẩm bằng công nghệ Semi-Biofloc; nuôi cá trong ao nước ngọt kết hợp gắn với chuỗi tiêu thụ.
Do đó, trong năm 2023 này, Trung tâm Khuyến nông Bình Định sẽ xây dựng 3 mô hình nuôi thủy sản gồm: Nuôi ghép tổng hợp tôm - cua - cá trong ao sinh thái cây ngập mặn; nuôi cá chình thương phẩm trong ao nước ngọt và nuôi cá thát lát cườm thương phẩm trong hồ thủy lợi.
Riêng với mô hình nuôi ghép tổng hợp trong ao sinh thái cây ngập mặn, đơn vị này triển khai 2 mô hình với 3 điểm trình diễn, gồm 2 điểm tại xã Phước Sơn và xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) và 1 điểm tại xã Cát Minh (huyện Phù Cát) có quy mô 1 ha/điểm trình diễn.
Hiện nay, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Bình Định phối hợp với các địa phương đang thẩm định, lựa chọn hộ đủ điều kiện tham gia mô hình, trong tháng 3/2023 sẽ chính thức triển khai. Trong quá trình thực hiện, Trung tâm Khuyến nông Bình Định sẽ tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho người dân để nhân rộng và chuyển giao kỹ thuật.
Nhiều triển vọng nhân rộng
Tuy Phước là địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ lớn nhất tỉnh Bình Định. Trong năm 2022, trên địa bàn huyện này có 42ha ao hồ nuôi tôm bị dịch bệnh tấn công. Riêng vùng nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng ở thôn Đông Điền (xã Phước Thắng) xảy ra tình trạng tỷ lệ nước mặn thấp dưới mức cho phép, nhiều ao nuôi không thể áp dụng được quy trình nuôi tôm VietGAP, buộc phải chuyển đổi sang các hình thức nuôi khác.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết ở Bình Định ngày càng diễn biến phức tạp, hiện tượng vùng nuôi bị ngọt hóa thường xuyên xảy ra, do đó, ngành nông nghiệp Tuy Phước rất cần nhân rộng mô hình nuôi thủy sản tổng hợp trong các ao nuôi, vùng nuôi có cây rừng ngập mặn trên địa bàn để giảm thiểu rủi ro.
“Không phải vùng nuôi tôm nào cũng đủ điều kiện áp dụng công nghệ mới trong nuôi thâm canh, do vậy, mô hình nuôi tổng hợp là hướng đi phù hợp để nghề nuôi tôm được bền vững. Nuôi tôm xen cua, cá tận dụng không gian của hệ sinh thái cây rừng ngập mặn, bà con vừa giảm được chi phí đầu tư, vừa giảm được rủi ro.
Dù lợi nhuận không cao bằng nuôi tôm thâm canh, nhưng nuôi tôm theo mô hình tổng hợp sẽ bảo vệ được môi trường, giảm rủi ro. Ngoài 2 mô hình do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ, huyện sẽ triển khai thêm 1 mô hình nữa để từng bước áp dụng rộng rãi cho các vùng nuôi trong huyện”, ông Phạm Quang Ân, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước cho hay.
Nuôi trồng thủy sản ở huyện Phù Cát có thế mạnh là tận dụng được không gian của hệ sinh thái cây rừng ngập mặn chạy dọc các xã Cát Thành, Cát Khánh, Cát Minh. Đây là điều kiện thuận lợi để nhân rộng mô hình nuôi tổng hợp tôm - cua - cá. Cây rừng ngập mặn phát triển tốt, tạo môi trường thuận lợi để triển khai nuôi thủy sản tổng hợp. Do đó, ngành chức năng huyện này đã giao khoán rừng ngập mặn cho các hộ dân để kết hợp vừa nuôi thủy sản, vừa bảo vệ rừng ngập mặn.