Ồ ạt đào hồ nuôi cá lóc giống, bất chấp khuyến cáo cung vượt cầu
Trước lợi nhuận cao gấp 2-3 lần trồng lúa, dễ làm, lại ít tốn công chăm sóc, hàng trăm nông dân ở An Giang đã ồ ạt đào hố nuôi cá lóc giống, bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương về những rủi ro có thể xảy ra khi lượng cung vượt cầu.
Thấy lợi là làm
Đến xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, không khó để bắt gặp những hố cá lóc giống nhan nhản khắp các mặt ruộng trước đây dùng để trồng lúa. Đi đến đâu cũng nghe bà con râm ran những câu chuyện làm giàu từ việc nuôi cá lóc giống. Anh Dương Hải Bằng, ngụ ấp Mỹ Quý, xã Mỹ Phú hiện có 3 công đất ruộng đã chuyển sang nuôi cá lóc giống, với 90 hố. Anh Bằng khoe: “Tháng rồi nhờ thu hoạch cá lóc giống, tôi lãi khoảng 150 triệu đồng. Lúc trước, tôi cũng làm lúa nhưng thấy nhiều người nuôi cá lợi nhuận nhiều hơn, gấp khoảng 3 lần nên cũng bắt đầu nuôi”.
Lão nông Đặng Văn Thành ngụ ấp Mỹ An, xã Mỹ Phú cho biết thêm: “Nhiều người nuôi cá có lãi cao nên tôi cũng nuôi theo. Việc nuôi cá lóc giống khá đơn giản, chỉ cần thuê nhân công đào những cái hố có diện tích khoảng 3x4m hoặc 4x4m, sâu khoảng 1m; 1.000m2 đất có thể đào được khoảng 40 - 50 hố, với chi phí khoảng 20 triệu đồng. Còn cá lóc giống thì mua với giá từ 200.000-300.000 đồng/cặp”.
Ông Thành cho biết, thức ăn chủ yếu của cá lóc giống là trứng nước, giá 18.000 đồng/kg, trung bình cứ 8kg thức ăn sẽ cho ra 1kg cá lóc giống. Mỗi hố thả 1 cặp cá bố mẹ, sau khoảng 1 tháng nuôi có thể xuất bán 3 - 5kg cá lóc giống. Với giá trung bình hiện nay từ 220.000 – 280.000 đồng/kg, lúc cao điểm có thể lên tới 400.000 đồng/kg nên người nuôi có lãi “khủng”.
Lơ lửng những nguy cơ
Những hộ nuôi cho biết, tuy giá cá lóc giống khá cao, nhưng luôn bấp bênh và hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái. Khi cá đến lứa bán thì sẽ có “cò” vào xem cá và liên kết với thương lái vào mua. “Con cá lóc giống này thuộc hàng “vô giá”, tức là giá nào cũng có chứ không hề cố định, có khi 200.000 đồng/kg, có khi lên đến 300.000 đồng/kg hoặc cao hơn” - một người nuôi cá cho biết. Ngoài ra, theo tìm hiểu của phóng viên, người dân nuôi cá vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính, nếu cá bị bệnh thì xem như bỏ cả hố vì người nuôi không biết cách chữa.
Ông Nguyễn Duy Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Phú, thông tin: “Do làm lúa lợi nhuận không cao nên một số hộ dân đã chuyển sang nuôi cá lóc giống. Hiện toàn xã có khoảng 56ha đất lúa đang được chuyển đổi sang nuôi cá lóc giống. Vấn đề này xã đang báo cáo về huyện xin ý kiến chỉ đạo để xã có biện pháp xử lý, vì diện tích cá lóc giống ngày càng phát triển. Xã chủ yếu khuyến khích, vận động người dân hạn chế lại việc nuôi cá ồ ạt”.
Ông Bùi Văn Xinh - Trưởng phòng NNPTNT huyện Châu Phú cho biết thêm: “Chúng tôi rất lo ngại về khủng hoảng thừa, song chỉ biết khuyến cáo bà con hạn chế chứ không thể cấm. Bởi không có gì ràng buộc để cấm, người dân chỉ chuyển đổi một phần diện tích chứ không chuyển đổi hết. Chỉ khi nào người dân đào ao lớn, phá vỡ đất trồng lúa thì mới có thể cấm”.
“Hiện tại không có chủ trương buộc người nuôi phải ngừng lại hết nhưng mình sẽ vận động bà con không phát triển nuôi ồ ạt. Lâu nay người nuôi chưa được bao tiêu đầu ra sản phẩm, chủ yếu bán tự do cho các thương lái nên rủi ro càng cao, nhất là khi cung vượt quá cầu”.
Ông Lương Hoàng Tuấn - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Châu Phú