Ồ ạt nuôi cá sấu, bất chấp đầu ra
Dù bài học về vụ nuôi cá sấu khiến cho nhiều người nông dân ở Cà Mau và Bạc Liêu trắng tay cách đây chưa lâu, nhưng trước tình trạng người dân Đồng bằng sông Cửu Long ồ ạt nuôi trở lại khiến cho ngành chức năng lo lắng cảnh cũ lại tái diễn.
Cá sấu giống lên tới 600 ngàn đồng/con
Bắt đầu mùa mưa ở khu vực ĐBSCL cũng là lúc bà con vùng này rục rịch vào vụ nuôi cá sấu. Qua tìm hiểu tại nhiều tỉnh, hiện bà con đã hoàn tất việc xây dựng và sửa sang chuồng trại và tìm mua con giống. Hai năm nay ông Nguyễn Văn Lượm ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau có nuôi một hầm cá sấu với số lượng ít nhưng do lỗ nên ông không đầu tư nhiều. Tuy nhiên vụ này thấy bà con nuôi nhiều, giá cá cũng tăng cao nên ông Lượm đã đầu tư gần 100 triệu đồng xây thêm hai hầm nữa để lấy lại “vốn”.
Không riêng gia đình ông Lượm nhiều hộ dân khác ở Cà Mau cũng hoàn tất việc xây chuồng trại để cho kịp thời vụ. Việc xây dựng ồ ạt chuồng trại đã khiến cho ngành chức năng lo ngại, hiện nay nông dân đang ráo riết lùng mua cá sấu giống ở khắp nơi khiến cho giá cá sấu con tăng gấp đôi. Cụ thể đầu năm nay giá cá sấu con ở vào khoảng 300 ngàn đồng/con, nhưng hiện nay có nơi lên đến 600 ngàn đồng/con, thậm chí không có con giống để mua. Do sốt con giống nên dù nguồn gốc cũng như chất lượng con giống không được bảo đảm.
Nhiều hộ dân thấy giá cá sấu con tăng cao, nhưng “đâm lao cũng phải theo lao” bởi đã trót đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại. Điều khiến cho chúng tôi bất ngờ khi tìm hiểu, nhiều người dân ở đây truyền tai nhau, nguyên nhân khiến cho giá cá sấu giống tăng, là do có sự xuất hiện của một nhóm thương lái người Việt móc nối, hay đi gom cá sấu con cho thương lái Trung Quốc. Ông Lượm thắc mắc: Điều lạ là nhóm thương lái này chấp nhận trả giá cao để mua cá sấu giống, khiến nông dân chúng tôi không thể theo nổi...
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có trên 200 hộ dân đăng ký mở trang trại nuôi cá sấu với số lượng hơn 4.000con. Ông Đỗ Văn Đồng, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cảnh báo: Đó mới chỉ là con số bề nổi mà ngành chức năng nắm được nhờ người dân đăng ký. Còn thực tế lớn hơn nhiều, vì người dân nuôi tự phát không khai báo với ngành chức năng.
Ở Bạc Liêu, ông Lư Văn Tấn, hộ nuôi ở huyện Hồng Dân cho biết, giá cá sấu giống đang tăng đột biến, để có con giống, nhiều hộ nuôi phải sang các tỉnh lân cận như Kiên Giang, An Giang để tìm mua. Ông Tấn cũng như một số hộ dân ở vùng này thấy người ta nuôi cũng đầu tư nuôi.
Hệ lụy khó lường
Ông Lượng Ngọc Lân – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu thông tin: Trước đây ở Bạc Liêu chỉ có một vài hộ nuôi nhỏ lẻ, nhưng từ khi Cà Mau rộ lên phong trào nuôi cá sấu nên nhiều hộ dân lân cận với Cà Mau cũng đầu tư nuôi, giờ thành vùng nuôi ở huyện Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Phước Long và TP. Bạc Liêu. Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có 1.594 hộ nuôi cá sấu với tổng đàn 169.092 con. Chúng tôi lo ngại người dân ồ ạt nuôi trong khi đầu ra không có. Vì vậy thời gian qua chúng tôi đang kêu gọi nhà đầu tư, DN chế biến cá sấu để có nơi tiêu thụ sản phẩm, xây dựng trang trại sản xuất con giống phục vụ cho vùng nuôi…
Ông Đỗ Văn Đồng, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm nhớ lại: “Ở Cà Mau đã từng có nhiều hộ lâm nợ khi cá sấu nuôi được 7 hay 8 kg mỗi con thì bị dịch bệnh chết sạch. Nhiều hộ thoát qua nạn dịch bệnh thì giá cá thương phẩm ngoài thị trường bị thương lái ép giá rớt thảm hại.
Theo ông Đồng cho biết: Người nuôi muốn xuất khẩu cá sấu, phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp, đúng tiêu chuẩn, đúng thế hệ F2 và có hạn ngạch…Thời gian qua cá sấu chủ yếu là xuất qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Nếu người dân tiếp tục nuôi ồ ạt theo kiểu tự phát, trong khi không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, thương lái trở kèo chỉ có đường trắng tay.
Ngành nông nghiệp ở các tỉnh ĐBSCL đang lo lắng về tình trạng ồ ạt nuôi cá sấu mà không theo hướng dẫn của chính quyền địa phương, đáng lo ngại là nguồn gốc con giống trôi nổi trên thị trường.
Những năm trước sau vụ lỗ “để đời” của nông dân theo con cá sấu và những khó khăn của đầu ra đối với con cá dữ này ngành chức năng các tỉnh như Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp đã triển khai nhiều giải pháp như: Liên kết giữa người nuôi và DN chế biến các sản phẩm mỹ nghệ, gia tăng xuất khẩu chính ngạch, thành lập hiệp hội cá sấu... Tuy nhiên sản phẩm vừa không đạt hiệu quả dẫn tới mối liên kết này bị nới lỏng thậm chí không chặt chẽ. Trong khi người nuôi vẫn tiếp tục ồ ạt chạy theo phong trào.