TIN THỦY SẢN

Ồ ạt nuôi cá tra giống, rủi ro khó lường

Nuôi cá tra giống mang lại lợi nhuận cao nhưng tiềm ẩn những rủi ro khó lường Kiên Định - Kiên Cường

Chỉ một thời gian ngắn, số hộ chuyển từ trồng lúa sang đào ao nuôi cá tra giống tại huyện Tân Hưng, tỉnh Long An tăng rất nhanh vì có lãi nhiều. Tuy nhiên, theo nhận định của chính quyền địa phương cũng như người nuôi, nghề nuôi cá tra giống rủi ro khó lường.

Kẻ lỗ, người lời

Mùa này, trên tuyến đường cặp kênh KT9 từ xã Hưng Hà đến Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, nhiều chuyến xe tải ngược xuôi chở thức ăn chăn nuôi và cá tra giống đến các tỉnh miền Tây. Trên đồng, những chiếc kobe múc đất để nông dân làm ao nuôi cá. Dọc tuyến kênh KT9, cứ 10 hộ thì có khoảng 5-7 hộ chuyển từ trồng lúa sang nuôi cá. Phong trào nuôi cá tra giống “nở rộ” tại các xã biên giới của huyện Tân Hưng chỉ trong thời gian ngắn.

Bà Diệp Thị Nguơn, ngụ ấp Gò Pháo, xã Hưng Điền B, chia sẻ: “Nuôi cá tra giống tuy mới nhưng mang lại lợi nhuận cao. 1ha nuôi cá tra giống, nếu trúng giá, lợi nhuận cao gấp 10 lần so với trồng lúa. Vụ vừa rồi, gia đình tôi bán cá với giá 71.000 đồng/kg (loại 35 con/kg), lãi trên 300 triệu đồng/ha. Hiện, gia đình tôi mở rộng diện tích nuôi cá tra lên 3,5ha”. Cũng theo bà Nguơn, nuôi cá tra giống tuy không khó nhưng tiềm ẩn không ít rủi ro. Chu kỳ nuôi cá tra giống từ 60-70 ngày. Giai đoạn đầu, cá con dễ nhiễm bệnh, nếu không biết cách phòng thì nguy cơ thất bại rất lớn, trong khi chi phí đầu tư gần 200 triệu đồng/ha.

Hiện nay, không phải ai nuôi cá tra giống cũng thành công. Thấy nhiều hộ dân ồ ạt đào ao nuôi cá tra giống, lãi hàng trăm triệu đồng, thời gian thu hồi vốn lại ngắn nên anh Lê Trường An, ngụ ấp Gò Pháo, xã Hưng Điền B, làm theo. Vay mượn tiền gia đình, anh đầu tư hơn 1ha ao nuôi cá nhưng lỗ gần 140 triệu đồng vì thiếu kinh nghiệm. “Tôi thả hơn 10 xilanh (loại 10ml) giống, 3 ngày sau, dùng vợt kiểm tra, số lượng cá tra bột gần như không còn. Tôi phải xả hết nước, xử lý lại ao nuôi. Có hộ thả 5-6 lần mới được. Nuôi cá tra giống cũng bấp bênh vì giá cả, đầu ra chưa ổn định, đa phần người nuôi tự tìm thị trường tiêu thụ hoặc phụ thuộc thương lái các tỉnh: Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang” - anh An lo lắng.

Anh Trần Tuấn Anh, ngụ xã Hưng Điền B, cho biết: Nghề nuôi cá tra giống chủ yếu chạy theo phong trào. Nhiều hộ bỏ lúa, đầu tư nuôi cá, còn nhiều hộ bắt đầu cho thuê ao nuôi.

Địa phương không khuyến khích

Cũng theo anh Trần Tuấn Anh, mặc dù địa phương không khuyến khích chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi cá tra giống nhưng nhiều hộ dân vẫn bất chấp đào ao. “Có thời điểm, số lượng máy kobe hoạt động hết công suất cũng không đủ phục vụ nhu cầu đào ao nuôi cá tra giống của người dân. Có hộ phải chờ nửa tháng mới thuê được kobe. Khi đào ao, nhiều hộ dân bị lập biên bản nhưng khi chính quyền địa phương rời đi, họ lại tiếp tục”.

Việc tự phát chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi cá tra giống tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Ông Nguyễn Văn Thành, ngụ xã Hưng Điền B, bức xúc: “Hiện, người dân ồ ạt đào ao nuôi cá ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và những hộ trồng lúa xung quanh. Nước từ ao cá xả ra kênh không qua xử lý có màu xanh, không biết có nhiễm hóa chất, gây hại cho cây lúa hay không nhưng chắc chắn về lâu dài, nguồn nước tự nhiên sẽ ảnh hưởng”.

Theo thống kê chưa đủ của ngành nông nghiệp, hiện tại, diện tích nuôi cá tra bột trong toàn tỉnh gần 1.000ha, trong đó, trên 80% diện tích này là của huyện Tân Hưng, nhiều nhất là xã Hưng Điền B. Chủ tịch UBND xã Hưng Điền B - Nguyễn Vũ Linh cho biết: “Mặc dù nuôi cá tra giống mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa nhưng địa phương không khuyến khích vì lo sợ, khi nuôi ồ ạt, đầu ra sẽ khó. Chúng tôi tập trung tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, không tự ý chuyển mục đích đất lúa thành ao nuôi cá. Điều này ảnh hưởng đến quy hoạch và nguy cơ ô nhiễm môi trường tự nhiên”.


Người dân huyện Tân Hưng ồ ạt đào ao nuôi cá tra giống

Còn theo Chủ tịch UBND xã Hưng Điền - Trương Đông Hồ, hầu hết diện tích ao nuôi cá tra giống tại địa phương đều là nông dân tự ý chuyển đổi, không nằm trong quy hoạch của xã. “Đối với các ao nuôi cá, địa phương cử cán bộ rà soát, lập biên bản đề nghị các hộ dân phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nếu các hộ dân không đồng ý, chúng tôi sẽ đề nghị khôi phục lại hiện trạng như ban đầu” - ông Hồ cho biết.

Thị trường tiêu thụ phụ thuộc vào thương lái, đầu ra không ổn định, nghề nuôi cá tra giống tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Và, nếu thất bại, nông dân muốn trở lại trồng lúa cũng hết sức khó khăn. Vì vậy, nông dân cần thận trọng trước khi quyết định đầu tư nuôi cá tra giống.

Mặc dù nuôi cá tra giống mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa nhưng địa phương không khuyến khích vì lo sợ, khi nuôi ồ ạt, đầu ra sẽ khó. Chúng tôi tập trung tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, không tự ý chuyển mục đích đất lúa thành ao nuôi cá. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch và nguy cơ ô nhiễm môi trường tự nhiên”.

Chủ tịch UBND xã Hưng Điền B - Nguyễn Vũ Linh

Kiên Định - Kiên Cường Báo Long An