Ô nhiễm khiến sản lượng tôm nuôi ở Khánh Hòa sụt giảm
Thời gian qua, diện tích và sản lượng tôm nuôi ở tỉnh Khánh Hòa liên tục sụt giảm, nguyên nhân là do môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm.
Tại xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa có 320 ha ao, đầm nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng. Như thường lệ, gần cuối tháng 7 là thời điểm nuôi chính vụ nhưng năm nay các hộ đã nuôi cầm chừng hoặc ngừng thả nuôi.
Ông Phạm Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích cho biết, thời gian qua các hộ nuôi tôm liên tục thua lỗ, do nguồn nước trong vùng nuôi bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, thiếu vốn đầu tư, nhiều hộ đã chuyển sang nuôi tôm quảng canh. Với hình thức nuôi này, các hộ nuôi tôm với mật độ rất thấp và không cung cấp thức ăn công nghiệp, mà để tôm ăn thức ăn tự nhiên có sẵn trong ao nuôi. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại không cao, lãi thấp.
Từ đầu năm 2017 đến nay, tỉnh Khánh Hòa nuôi trồng 3.560 ha thủy sản, giảm hơn 4% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, diện tích nuôi tôm 1.760 ha, giảm đến gần 12%; diện tích nuôi cá hơn 500 ha, giảm 4,6%. Cũng trong khoảng thời gian này, sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt gần 7.440 tấn, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, sản lượng tôm trên 2.300 tấn, giảm đến hơn 17%; cá gần 2.500 tấn, giảm gần 2%.
Diện tích và sản lượng tôm nuôi ở Khánh Hòa liên tục bị sụt giảm, chủ yếu là do môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm nên người dân thu hẹp quy mô nuôi trồng. Điển hình như việc nuôi tôm trên cát ở vùng ven vịnh Vân Phong thuộc xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh với khoảng 40 ha.
Theo khảo sát của cơ quan chức năng, các hộ đều khai thác nước ngầm để phục vụ cho việc nuôi tôm và sinh hoạt. Nước thải phát sinh từ quá trình nuôi tôm, chứa một số thành phần ô nhiễm chưa được xử lý xả trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước.
Ngành thủy sản Khánh Hòa đã và đang thực hiện các giải pháp để cải thiện vệ sinh môi trường vùng nuôi tôm. Theo đó, tỉnh quy hoạch chi tiết vùng nuôi kết hợp với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; nâng cao ý thức và kỹ thuật cho người nuôi tôm trong việc vệ sinh vùng nuôi; thành lập các tổ tự quản để giám sát thu gom và xử lý chất thải; khuyến khích nuôi tôm công nghệ cao...
Để phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản, tỉnh Khánh Hòa đang thực hiện tái cơ cấu nghề này. Theo đó, tỉnh chủ trương giữ ổn định diện tích nuôi trồng thủy sản như hiện nay là từ 4.500 – 5.000 ha; đồng thời, tổ chức nuôi thâm canh, an toàn dịch bệnh, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi như sản xuất giống, thủy lợi, thức ăn...