Ốc bươu đồng đối tượng nuôi mới nhiều triển vọng
Ốc bươu đồng là loài ốc bản địa có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Hiện nay, loài ốc này ngoài tự nhiên đang bị suy giảm nghiêm trọng, trong khi nhu cầu tiêu thụ ngày một tăng. Nhận thấy điều đó, một số nông dân trên địa bàn tỉnh đã đưa con ốc bươu đồng vào nuôi, bước đầu cho hiệu quả tốt.
Kỹ thuật nuôi đơn giản
Gia đình ông Bùi Hồng Thắng, thôn An Ngải, xã Quảng Lạc, huyện Nho Quan là một trong những hộ đầu tiên nuôi ốc bươu đồng ở Ninh Bình. Hiện, nhà ông Thắng đang có 2 bể làm ốc giống và 1 ao để nuôi ốc thương phẩm. Mỗi năm gia đình ông xuất bán ra thị trường khoảng 2 tạ ốc thịt và hơn 2 vạn con ốc giống.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Thắng cho biết: Con ốc bươu đồng vứt đâu cũng sống được, miễn là có nguồn nước sạch, chúng hầu như không mắc dịch bệnh gì. ốc bươu đồng thích nghi tốt với điều kiện sống trong ao, hồ đất hoặc nuôi trong bể xi măng. Thức ăn chủ yếu của ốc là những cây cỏ có sẵn trong tự nhiên, phụ phẩm nông nghiệp như: cỏ, bèo tấm, bèo lục bình, lá sắn, xơ mít, rau củ, cà chua … Ngoài ra, có thể cho ốc ăn cám gạo, ngô để thúc đẩy ốc tăng trưởng nhanh hơn. Thời gian từ lúc thả ốc giống đến lúc thu hoạch cũng khá nhanh, chỉ từ 2,5 tháng đến 3,5 tháng.
Ông Thắng bật mí thêm: Nuôi ốc bươu đồng khó nhất là kỹ thuật cho ngủ đông vì loài này không chịu được rét, nếu không biết cách thì chúng có thể bị chết hàng loạt. Sau nhiều năm mày mò nghiên cứu, ông rút ra được kinh nghiệm là cứ đến tầm tháng 11 hàng năm là phải tát cạn ao, thu bán hết ốc thương phẩm, riêng ốc giống thì gom lại đưa vào trong bể xi măng.
Lưu ý là bể phải dày bùn; đắp đất, trồng cỏ kín xung quanh; mặt nước thả bèo, sau đó dùng nilon che mạ phủ kín toàn bộ bể. Đến tầm tháng 4 năm sau, khi thời tiết ấm lên, bắt đầu thả bung ốc ra ao, lúc này chúng sẽ sinh sôi nảy nở rất nhanh.
Tìm đến một hộ nuôi ốc khác, đó là gia đình anh Bùi Văn An, thôn Nguyễn, xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp. Anh An cho biết, đây là vụ đầu tiên anh nuôi ốc bươu đồng nhưng kỹ thuật nuôi không hề khó. Cái ao trước đây thả cá, giờ anh tát cạn rồi vãi vôi khử trùng, sau đó mua ốc giống về thả. 10 ngày đầu, ốc còn bé thì thả trong các tráng để ở khu vực nước nông.
Hàng ngày, anh vứt lá khoai, lá sắn, phụ phẩm nông nghiệp như cà chua, khoai lang thối hỏng xuống cho chúng ăn. Ngoài ra, cần lưu ý không được để xuất hiện các loại cá trắm, cá trầu và chuột trong ao vì thức ăn của những loài này chính là ốc, trứng ốc. Anh An khoe: ốc mới thả được 1 tháng đến nay đã to bằng ngón tay cái (lúc thả kích thước chỉ như hạt đậu đen), và chỉ khoảng 1,5 tháng nữa là có thể thu hoạch. Dự kiến với hơn 1 vạn ốc giống, anh sẽ thu được khoảng 2,5 tạ ốc thương phẩm.
Đầu tư ít, thu lãi nhiều
Theo những người nuôi, nuôi ốc bươu ta không hề tốn kém, chỉ cần một diện tích mặt nước nhỏ, nguồn nước tự nhiên sạch là có thể nuôi. Ngoài nuôi thả tự do trong ao, ruộng lúa hoặc nuôi tại bể, có thể làm tráng, tức là làm lưới vuông quây kín, rộng từ 5 - 30m2 rồi thả giữa ao, bên ngoài tráng bà con vẫn có thể kết hợp nuôi thả các loại cá khác mà không sợ gây hại ốc. ở các vùng nông thôn, quanh năm sẵn các loại rau, cỏ, phụ phẩm nông nghiệp nên thức ăn của ốc hoàn toàn có thể tận dụng mà không mất một đồng chi phí nào. Về nguồn giống thì hiện nay trong tỉnh đã có một số hộ sản xuất được, giá giống chỉ khoảng 500 đồng/1 con.
Trong khi đó, hiện nay, ốc bươu ta là đặc sản trong các nhà hàng, khách sạn, nguồn cung không đủ cầu. Giá ốc trung bình khoảng 80 nghìn đồng/1kg. Còn riêng loại ốc nuôi sử dụng phần lớn thức ăn tự nhiên như ở một số hộ nuôi trên địa bàn tỉnh thì giá lên tới 100 nghìn đồng/1kg vì chất lượng thịt thơm ngon hơn. Với mức giá này, 1 sào nuôi ốc nhồi có thể cho thu nhập 60 - 70 triệu đồng. Như vậy, nuôi ốc bươu đồng sẽ là mô hình nuôi thủy sản đầy triển vọng mà tất cả mọi người, kể cả những hộ không có điều kiện về kinh tế có thể áp dụng.
Bà Bùi Thị Thu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Lạc cho biết: Nuôi ốc bươu đồng là mô hình khá hiệu quả, không cần vốn nhiều nhưng vẫn đem lại nguồn thu nhập ổn định. Hội Nông dân xã đang tuyên truyền, vận động các gia đình hướng dẫn, hỗ trợ nhau về giống, kỹ thuật chăm sóc ốc để từng bước mở rộng diện tích nuôi, tăng thu nhập, phát triển kinh tế địa phương.