TIN THỦY SẢN

Ông Hai "Liên Xô" với mô hình nuôi lươn sinh sản cho thu nhập cao

Ông Hai "Liên Xô" đang chọn lươn giống. Thái Nguyên

Ông Đặng Văn Hai (sinh năm 1961), ngụ ấp 9B, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy thường được người dân địa phương gọi là ông Hai 'Liên Xô'. Ông là người đầu tiên trong xã nuôi lươn sinh sản thành công, cho thu nhập cao, kinh tế gia đình ngày càng phát triển.

Mô hình nuôi lươn của ông được đông đảo người dân trong vùng biết đến và đã có nhiều nông dân đến học tập, trao đổi kinh nghiệm để về nuôi tại gia đình.

Trước khi đến với nghề nuôi lươn sinh sản, trên 5 công đất xung quanh nhà, ông Hai trồng chuyên canh mít Thái và dừa Xiêm. Nhờ có sức khỏe tốt, hàng ngày ông luôn miệt mài chăm sóc mảnh vườn nên năm nào vườn mít và dừa của ông cũng cho thu hoạch cao, kinh tế gia đình không ngừng phát triển và ông đã được công nhận là "Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi" cấp tỉnh.

Không dừng lại với việc phát triển vườn chuyên canh mít và dừa, sau nhiều trăn trở, suy nghĩ tìm hướng phát triển mới trên mảnh đất hiện hữu của mình, ông đã quyết định đầu tư thêm nghề nuôi thủy sản, mà cụ thể là nuôi lươn sinh sản, bởi lẽ vùng này lâu nay chưa thấy hộ nào nuôi, ông muốn là người tiên phong.

Nghĩ là làm, đầu năm 2017, qua tìm hiểu chương trình khuyến nông trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông đã đăng ký tham dự lớp dạy nghề nuôi lươn sinh sản do Hội Nông dân xã Mỹ Thành Nam phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức. Sau khi học xong, ông về xây hồ nuôi tại gia đình, thực hiện đúng theo hướng dẫn của ngành khuyến nông.

Hiện nay, ông đang nuôi 300 cặp lươn sinh sản, mỗi cặp (một đực, một cái) nuôi trong diện tích 70cm2, mực nước từ 10cm đến 15cm, sử dụng nước giếng là tốt nhất (không phèn, mặn), nếu sử dụng nước sông phải lắng lọc trước khi sử dụng, nghĩa là phải đảm bảo độ PH trong khoảng từ 5,5 đến 8,5; tuyệt đối không để nước dơ (lươn dễ bị bệnh lở loét, sưng đầu).

Theo ông Hai, trọng lượng lươn cái sinh sản khoảng 200 gam/con - thời kỳ lươn đẻ năng suất cao nhất; bình quân ông vớt lươn con khoảng 1.000 con/ngày. Sau khi vớt ông tiếp tục nuôi từ 1,5 đến 2 tháng là bán lươn giống. Lươn giống con dài 10 cm, bán 3.000 đồng/con; lươn giống dài 20cm, bán 6.000 đồng/con.

Ông Hai "Liên Xô" cho biết, lươn con mới nở, ông cho ăn trùng chỉ, sau đó cho ăn trùng quế, đến 3 tháng cho ăn thức ăn công nghiệp (loại thức ăn viên 40o đạm, tùy theo lươn lớn hay nhỏ). Không cho lươn ăn vào ngày đầu tiên vì lươn cần thời gian để thích nghi với môi trường. Những ngày sau đó là giai đoạn bắt đầu cho ăn nuôi vỗ. Mới đầu lươn ăn rất ít, nên chỉ cần cho khoảng dưới 5% trọng lượng cơ thể. Thời gian cho ăn trong khoảng 2 tiếng. Có thể kèm các loại vitamin để tăng khả năng kháng bệnh cho lươn...Đặc biệt, người nuôi nên thường xuyên theo dõi sức ăn của lươn để điều chỉnh liều lượng cho phù hợp. Không cho lươn ăn thức ăn không đảm bảo vệ sinh và an toàn thực phẩm; đồng thời thay nước 1 lần/ngày. Nuôi vỗ lươn trong vòng 3 tháng là có thể đẻ trứng, không cần sự tác động của con người. Dấu hiệu nhận biết lươn đã đẻ là chúng ta quan sát thấy trên mặt bể có một mảng bọt nước, càng lúc càng to ra thì trong vòng một ngày lươn sẽ sinh sản. Quan sát kỹ vào ngày hôm sau sẽ thấy xuất hiện trứng lươn có màu hơi vàng, kích cỡ 0,35cm.

Thực tế từ mô hình nuôi lươn sinh sản của ông Hai "Liên Xô" ở xã Mỹ Thành Nam trong năm 2017, mặc dù là giai đoạn đầu thử nghiệm nhưng ông cũng đã xuất bán được 6.000 con lươn giống. Với lượng lươn sinh sản hiện có, dự kiến cuối năm 2018, ông tiếp tục xuất 20.000 con. Hàng năm, từ vườn mít Thái, dừa Xiêm và mô hình nuôi lươn sinh sản đã tạo thu nhập cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng, có điều kiện xây nhà cửa khang trang, cuộc sống càng thêm sung túc.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thành Nam cho biết, hiện nay, phong trào nuôi lươn sinh sản và lươn thương phẩm đang phát triển mạnh do người nuôi có lãi khá; lươn dễ nuôi, ít rủi ro, đầu ra ổn định. Trên thị trường, lươn loại 1 có giá 130.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người nuôi lãi khoảng 80.000 đồng/kg, đây là nguồn thu hấp dẫn đối với người nông dân.

Thái Nguyên Báo Tiền Giang