Phải dẹp tình trạng quy hoạch chồng chéo ở ĐBSCL
Hiện toàn vùng ĐBSCL có tới hơn 2.500 quy hoạch, dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu liên kết và đồng bộ.
Ngày 26-9, Hội nghị định hình chuyển đổi mô hình phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) đã chính thức khai mạc tại TP Cần Thơ với sự tham dự của trên 500 đại biểu. Đây được coi là “Hội nghị Diên Hồng” cho ĐBSCL, nhằm hiệu triệu các tư tưởng lớn giúp Chính phủ và các địa phương vùng ĐBSCL xác định các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn nhằm phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn đến năm 2100.
Đối mặt khó khăn chồng chất
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá ĐBSCL là một trong những đồng bằng màu mỡ và có lượng nông sản lớn nhất khu vực Đông Nam Á và đứng đầu Việt Nam. Tuy nhiên, ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức lớn, trong đó ĐBSCL là một trong bốn đồng bằng bị tác động mạnh nhất do BĐKH, nước biển dâng. ĐBSCL đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều tác động nghiêm trọng do BĐKH, nước biển dâng, khí hậu cực đoan, khai thác và sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mekong và các hoạt động nhân sinh khác cũng như từ bản thân mô hình phát triển thiếu tính tổng thể, gắn kết nội tại trong vùng, quản lý nhà nước còn bất cập, thừa chồng chéo, thiếu phối hợp.
Ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý nguồn tài nguyên nước (Bộ TN&MT), cũng cho biết: Năm 2014, trên toàn bộ lưu vực phía ngoài nước ta có 176 hồ chứa thủy điện, thủy lợi đã vận hành hoặc đang xây dựng. Trên dòng chính có tám công trình, trong đó có bảy hồ chứa ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Trung Quốc cũng đang có kế hoạch xây dựng 14 đập thủy điện với công suất lắp đặt tổng cộng tới 22.590 MW trên sông Lan Thương.
Theo ông Bẩy, trong số 475 tỉ m3 nước của ĐBSCL thì có 450 tỉ m3 từ thượng nguồn chuyển về. Các công trình thủy điện đã xây dựng và đang vận hành của Trung Quốc trên sông Lan Thương đã tác động mạnh mẽ đến chế độ dòng chảy cả mùa lũ và mùa cạn, làm suy giảm hàm lượng phù sa. Điều này khiến dòng chảy vào ĐBSCL có xu hướng giảm. Thực tế tổng dòng chảy mùa lũ và mùa cạn vào ĐBSCL đều có xu thế giảm. “Chính việc phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn nên việc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong cũng như các dự án chuyển nước của Thái Lan là mối nguy đe dọa rất lớn đối với an ninh nguồn nước của vùng ĐBSCL” - ông Bẩy nhận định.
Định hướng chiến lược đối với quy hoạch vùng ĐBSCL dựa trên hai trụ cột kinh tế chính là nông nghiệp và thủy sản. Ảnh: TD
Đi tìm quy hoạch vùng cho ĐBSCL
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, hiện toàn vùng ĐBSCL có tới hơn 2.500 quy hoạch, dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu liên kết và đồng bộ. Nhiều quy hoạch còn chủ quan, duy ý chí, không dựa trên cơ sở khoa học. Hầu hết các quy hoạch chỉ chú trọng giải quyết vấn đề cục bộ của ngành, địa phương, không đặt trong tổng thể phát triển của vùng. Bên cạnh đó, các quy hoạch mỗi ngành tại vùng ĐBSCL hiện nay đều đặt ra các mục tiêu phát triển tham vọng, không gắn với nguồn lực và đặc thù của vùng...
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, làm thế nào để ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững, ứng phó BĐKH là bài toán cần nghiên cứu bài bản và đưa ra giải pháp toàn diện. Trong đó để có chiến lược và định hướng cho vùng, vấn đề tiên quyết và cần là quy hoạch tổng thể cho vùng, tích hợp các ngành nghề, lĩnh vực và có liên kết vùng để từ đó sử dụng nguồn lực để vùng phát triển nhanh nhất, bền vững.
Phía Bộ KH&ĐT đã có kế hoạch xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Trong quý I-2018 tuyển chọn xong tư vấn quốc tế, thời gian lập quy hoạch khoảng 18 tháng, sau đó trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch. Mục tiêu quy hoạch tạo ra một khung chiến lược toàn diện cho vùng ĐBSCL làm cơ sở để triển khai các chương trình, dự án đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng sản xuất cũng như việc khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở phát huy những tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL trong điều kiện BĐKH, xâm nhập mặn để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững...
Cần có phương án phân vùng hợp lý
Theo Bộ KH&ĐT, định hướng chiến lược đối với quy hoạch vùng ĐBSCL dựa trên hai trụ cột kinh tế chính là nông nghiệp và thủy sản dựa trên nền tảng là đất và nước. Do đó cần xây dựng chiến lược sử dụng nước chủ động của toàn vùng thích ứng với BĐKH, trong đó giải quyết đồng bộ các vấn đề: thủy lợi, cấp nước, thoát nước, trữ nước, bảo vệ và phục hồi nước ngầm...
Cần có phương án phân vùng hợp lý có tính đến phân bố không gian sản xuất nông nghiệp dựa trên phương án phân ranh mặn ngọt hợp lý, đảm bảo tối ưu hóa các lợi ích và nguồn lợi của hệ sinh thái tự nhiên (nước mặn, nước lợ, nước ngọt). Cùng đó là việc tổ chức không gian phát triển đô thị, điểm dân cư nông thôn và các khu, cụm công nghiệp thích ứng lũ, nước biển dâng và chủ động phòng, chống thiên tai; hài hòa nhu cầu về không gian phát triển của các ngành, lĩnh vực khác nhau. đồng thời giải quyết đồng bộ các vấn đề liên ngành, liên tỉnh dựa trên nguyên tắc đặt lợi ích của quốc gia và của vùng lên trên hết và đảm bảo yêu cầu về phát triển bền vững.