TIN THỦY SẢN

Phái Ngũ Độc bó tay: những con cá đột biến này kháng độc gấp 8.000 lần mức thông thường

Ảnh minh họa (Nguồn internet) Tham khảo ScienceAlert

Những con cá đột biến và khả năng kháng độc của nó cao hơn tới 8.000 lần mức thông thường.

Immune to poison damage.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra một loài cá đặc biệt sống ngoài bờ Đông nước Mỹ. Đừng ngạc nhiên khi thấy nó vẫn đủ hai mắt hai mang một mồm bởi lẽ điểm đặc biệt là thứ bạn không thấy được: khả năng kháng độc của nó cao hơn tới 8.000 lần mức thông thường.

Con cá nhỏ bé này có tên cá tuế bùn (cá tuế là một loài thuộc họ chép) hay còn gọi là cá killi, sống ở những vùng cửa sông bị ô nhiễm nặng như Vịnh Newark tại New Jersey hay Sông Elizabeth ở Virginia. Các nhà khoa học đã tìm ra chính xác cách thức mà con cá này sống sót tại những địa điểm độc hại như vậy, đó là nhờ đột biến cấp độ cao.

Những con cá killi này được nuôi nhiều trong bể cá gia đình vì hình dáng nhỏ bé và vẻ ngoài màu sắc, nhưng chúng cũng được các nhà sinh thái học để mắt tới, sử dụng chúng như một sinh vật chỉ thị cho môi trường ô nhiễm.

“Bạn sẽ thấy cá killi xuất hiện tại những môi trường cực kì độc hại”, chuyên gia về độc hại trong sinh thái và môi trường, ông Andrew Whitehead tại Đại học California nói.

Tại vùng nước tìm thấy những con cá killi này, các nhà khoa học có thể tìm thấy các chất độc như dioxin, các kim loại nặng và chất PCB – thứ chất độc hại trong đồ điện và đã bị cấm ở nhiều nước vào những năm 1970. Tổng cộng độ độc hại lên tới 8.000 lần mức độ chịu đựng của một con cá killi bình thường, nhưng chú cá đặc biệt kia vẫn có thể sống và bơi lội bình thường.

Ngoài ra, như đã nó ở trên, vẻ bề ngoài của con cá killi này hoàn toàn bình thường. Đột biến không hề khiến cho nó mất đi hay bị thêm bộ phận cơ thể nào.

Giáo sư Whitehead và đội ngũ của ông đã thu thập được hơn 400 con cá killi này về để nghiên cứu, lấy từ các vùng nước ô nhiễm từ khắp nơi trên nước Mỹ. Sau quá trình thu thập và tái tạo chuỗi gen, họ đã tìm ra một loại đột biến khiến con cá này miễn nhiễm với độc tố.

Những đột biến ấy có khả năng đóng khả năng chuyển hóa phân tử, quá trình khiến cho tế bào bị nhiễm độc tổn thương. Hơn nữa, những đột biến kia là những đột biến độc nhất trên loài cá killi khi chúng sống trong môi trường nước ô nhiễm. Điều này khiến cho những con cá nhỏ bé kia có thêm chút lợi thế khi sống trong làn nước có độ nhiễm độc gấp 8.000 lần khả năng chịu đựng của mình.

Tuy nhiên, trong làn nước kia không chỉ có mỗi cá killi sinh sống. Chất độc lại là tin xấu với những sinh vật khác.

“Đáng tiếc là đa số những loài sinh vật mà chúng ta quan tâm khác không thể thích nghi ngay lập tức với sự thay đổi môi trường nhanh chóng mặt như vậy, chúng không có một bộ gen biến đổi đa dạng để có thể tiến hóa nhanh chóng”, ông Whitehead giải thích.

Lợi thế của loài cá killi nằm ở mức đa dạng gen, khiến cho chúng có thể sống sót qua những đột biến liên tục và ngẫu nhiên của gen, cho tới khi một chuỗi gen tối ưu xuất hiện và cho chúng khả năng sống sót.

Hiện tại, những con cá này đã quen với môi trường sống cực kì độc hại, khi mà môi trường sống được cải tạo, chúng có thể tử vong hàng loạt do môi trường sống thay đổi đột ngột. Bẩn quen rồi sạch không chịu được.

 

Tham khảo ScienceAlert Báo Genk