TIN THỦY SẢN

Phấn đấu đến cuối năm diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 35 ngàn héc-ta

Thu hoạch tôm càng trong vùng nước lợ. Ảnh: Hoàng Vũ NVB

Mục tiêu của ngành nông nghiệp là phấn đấu cuối năm 2016, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 35 ngàn héc-ta, sản lượng 48,8 ngàn tấn (trong đó, tôm thâm canh, bán thâm canh 7 ngàn héc-ta; diện tích nuôi tôm sú quảng canh, tôm lúa, tôm rừng đạt 28 ngàn héc-ta.) Sản lượng đạt 48,8 ngàn tấn, trong đó tôm sú 8,8 ngàn tấn, tôm chân trắng 40 ngàn tấn.

Để thực hiện đạt mục tiêu trên, ngành nông nghiệp đề ra những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, tăng cường quan trắc môi trường; kiểm tra chất lượng và kiểm dịch tôm giống trên địa bàn tỉnh và công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm biển nuôi. Tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở nuôi tôm, cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp trong nuôi trồng thủy sản; việc sử dụng chất cấm và bơm chích tạp chất tôm thương phẩm. Tổ chức tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật nuôi tôm biển; các biện pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất đối với các mô hình nuôi tôm thâm canh, quảng canh, tôm lúa, tôm rừng.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Xây dựng chương trình tuyên truyền phổ biến kỹ thuật, thông tin quan trắc môi trường vùng nuôi, tình hình dịch bệnh trên tôm biển nuôi trên các phương tiên thông tin như Báo Đồng Khởi, Đài Phát thanh - Truyền hình Bến Tre, website của sở.... Cung cấp các thông tin về giá cả thị trường sản phẩm tôm nguyên liệu thông qua các cuộc họp Ban quản lý vùng nuôi, email, website của sở để người dân dễ dàng tiếp cận, nắm bắt thông tin.

Thứ ba, tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ người nuôi áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… vào sản xuất và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nuôi tôm biển. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất giống, thức ăn trên địa bàn tỉnh nhằm chủ động việc tổ chức sản xuất và giảm giá thành sản phẩm. Hỗ trợ hoạt động cho Ban quản lý vùng nuôi thủy sản nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của ban trong công tác quản lý môi trường, dịch bệnh trên tôm nuôi. Khuyến cáo những hộ có điều kiện nên áp dụng biện pháp ương tôm giống trước trong diện tích nhỏ (gièo hoặc ao đất, ao lót bạt), ương từ 25 - 30 ngày, khi điều kiện thuận lợi thì tiến hành thả ra ao nuôi để rút ngắn thời gian, giảm dịch bệnh. Nhân rộng mô hình nuôi tôm biển thâm canh ghép với cá rô phi nhằm giúp cải thiện tốt môi trường ao nuôi.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Rà soát các văn bản có liên quan để tham mưu điều chỉnh, sửa đổi quy định về kiểm dịch phù hợp với Luật Thú y. Nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác kiểm dịch tại cơ sở. Tập trung công tác xét nghiệm bệnh thủy sản; thường xuyên duy trì trao đổi thông tin 2 chiều với các tỉnh có liên quan để phối hợp quản lý chặt chẽ công tác kiểm dịch. Thực hiện xuyên suốt công tác giám sát dịch bệnh các trại sản xuất giống tôm biển và vùng nuôi tôm biển theo kế hoạch năm; tăng cường lấy mẫu tái kiểm các bệnh nguy hiểm trên tôm biển để kiểm tra dịch bệnh đối với giống tôm biển nhập tỉnh; làm tốt công tác chống dịch nhằm hạn chế tối đa sự lây lan, kịp thời hỗ trợ hóa chất dự trữ quốc gia chống dịch ngay khi nhận khai báo dịch bệnh từ người dân; phối hợp với viện, trường nghiên cứu tìm nguyên nhân gây chết trên thủy sản (các bệnh mới xuất hiện trên tôm biển nuôi), từ đó đề ra giải pháp phòng bệnh hiệu quả. Phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh và các đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động di nhập vận chuyển giống thủy sản trên địa bàn tỉnh, hoạt động kinh doanh thuốc thú y thủy sản để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm.

Thứ năm, tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân nuôi thủy sản thực hiện đúng quy hoạch và công khai các quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt; thực hiện tốt khuyến cáo lịch thời vụ nuôi tôm biển năm 2016. Tham mưu điều chỉnh khung lịch mùa vụ nuôi tôm biển phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và tình hình thực tế của địa phương. Quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh thức ăn, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường, thức ăn bổ sung trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, để vật tư nông nghiệp đưa vào sản xuất đảm bảo chất lượng. 

NVB Báo Đồng Khởi, 09/09/2016